Hiện có nhiều tuyến cao tốc ở Việt Nam xây dựng với thiết kế 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp và khai thác ở tốc độ tối đa 80 km/h. Cục Đường bộ vừa lên tiếng yêu cầu rà soát, nâng tốc độ tối đa cho phép lên 90 km/h.

cao toc trung luong my thuan thong xe 29 4 cao toc trung luong my thuan khanh thanh
Tuyến CT Trung Lương – Mỹ Thuận 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 80 km/h. (Ảnh chụp màn hình video: An toàn Giao thông-Văn hóa Giao thông/Facebook)

Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay cần nghiên cứu để các tuyến cao tốc hiện có và sắp đưa vào khai thác sẽ nâng tốc độ tối đa từ 80 km/h lên 90 km/h.

Trong đó, các Khu Quản lý đường bộ góp ý đảm bảo phù hợp với tốc độ khai thác hoặc có điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật nếu cần như: làn tăng/giảm tốc, khoảng cách an toàn, hệ thống an toàn, để có thể đưa các công trình, dự án đường ô tô cao tốc vào khai thác với tốc độ 90km/h được an toàn, đồng bộ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Với yêu cầu này, một loạt dự án cao tốc 4 làn xe sắp hoàn thành như Mai Sơn – QL45, Phan Thiết – Vĩnh Hảo, Nha Trang – Cam Lâm sẽ có thể lưu thông với tốc độ tối đa 90 km/h. Hiện, 3 tuyến cao tốc này đã lắp đặt biển báo tốc độ tối đa 80 km/h.

Bên cạnh các tuyến cao tốc sắp hoàn thành, Việt Nam hiện có cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn và Trung Lương – Mỹ Thuận đã đưa vào khai thác có 4 làn xe với tốc độ tối đa chỉ 80 km/h.

Ngoài tuyến Phan Thiết – Dầu Giây được đầu tư đầy đủ với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp (mỗi bên 1 làn) và khai thác với tốc độ tối đa 120 km/h, toàn bộ các tuyến còn lại có 4 làn xe như nói trên đều đã và đang áp dụng 80 km/h.

Theo thông báo gần nhất, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết (dài 99 km) sẽ đưa vào hoạt động tạm thời từ ngày 29/4 để giảm tải cho Quốc lộ 1, qua đó người dân rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Phan Thiết xuống còn 2-3h thay vì 4-5h như trước đây (tùy vào lượng xe lưu thông).

Tuyến cao tốc này sẽ tiếp nối theo tuyến đã khai thác trước đây là TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Đối với tuyến CT Phan Thiết – Dầu Giây, phương tiện có thể lưu thông vào từ 3 nút giao chính gồm: Nút giao TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, nút giao Quốc lộ 1 và nút giao Ba Bàu ở cuối tuyến giao với Phan Thiết, còn các nút giao khác chưa mở cho phương tiện lưu thông.

Bạn đọc Nông Văn Tuấn bình luận: “Ức chế nhất là đoạn QL1 đi qua Đồng Nai . Đường chỉ một làn xe chạy , dân cư đông đúc. Giờ có cao tốc rồi thì nhẹ hẳn một nửa áp lực, một nửa thời gian. Từ Phan Thiết ra Nha Trang đường hai làn khá thông thoáng nên cao tốc Vĩnh Hảo trễ một hai tháng cũng không thành vấn đề.”

Cũng trong tháng 5, Tập đoàn Sơn Hải cũng đề xuất Bộ GTVT khánh thành tuyến CT Nha Trang – Cam Lâm sớm 3 tháng so với kế hoạch (tháng 9/2023). Như vậy, trong tháng 5 dự kiến có thêm 2 tuyến CT sẽ thông xe.

Đức Minh