Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết sẽ lùi thời gian thu phí thêm 30 ngày, thay vì bắt đầu thu từ ngày 1/7. Theo thống kê trong 6 ngày (từ ngày 23-29/6), cao tốc này lưu thông trung bình khoảng hơn 31.000 lượt xe/ngày.

cao tốc trung lương mỹ thuận cao tốc bắc nam kẹt xe cao tốc trung lương mỹ thuận
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận được thiết kế 2 làn xe lưu thông mỗi chiều và không có làn dừng khẩn cấp. (Ảnh: Kẹt xe trên cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận/dẫn qua Bao Dolla’s/Facebook)

Ngày 29/6, Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết sau 6 ngày (từ ngày 23-29/6) thu phí thử nghiệm (không thu tiền), đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có hơn 186.700 lượt xe lưu thông, trung bình khoảng 31.100 lượt/ngày. Công ty này cho biết sẽ lùi thời hạn thu phí chính thức thêm 30 ngày, thay vì bắt đầu thu từ ngày 1/7 như dự kiến ban đầu, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Theo đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, những ngày cuối tuần lưu lượng xe đông, thường gia tăng tập trung vào giờ cao điểm nên gây dồn ứ phương tiện ở đầu vào và ra 2 trạm thu phí trên tuyến chính.

Theo quy định, chủ đầu tư sẽ thông báo công khai liên tục 5 ngày (trước thời gian thu phí chính thức) trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại các trạm thu phí.

Trước đó, đơn vị quản lý cao tốc đưa ra mức phí dự kiến thu cao nhất lên tới hơn 430.000 đồng/lượt/xe. Khung thu phí từ 2.100 đồng/km đến 8.400 đồng/km. Đây được cho là khá cao so với các cao tốc khác đang lưu thông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Đại diện một doanh nghiệp vận tải (không nêu danh tính) ở Tiền Giang cho biết toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 7 trạm thu phí đang hoạt động, bao gồm trạm Bạc Liêu, Bến Lức – Đức Hoà, Cần Thơ – Phụng Hiệp, Sóc Trăng, cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu và T1. Tuy nhiên, mức cao nhất trong số các trạm này cũng chỉ ở mức 196.000 đồng/lượt như của trạm T1, theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

“Nếu mức giá thu phí này chính thức được áp dụng mà không có điều chỉnh hợp lý hơn, tôi chọn đi QL 1A”, vị này nói.

Được biết, đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51km (quy mô 4 làn đường, không có làn dừng khẩn cấp) nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương), điểm cuối là nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè).

Toàn tuyến cao tốc này có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10km/điểm dừng. Chiều rộng điểm dừng xe khẩn cấp chỉ 2m nên không khả thi để xe di chuyển tới điểm dừng, đặc biệt các loại xe container, dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ xử lý nhanh và kịp thời các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định của quy trình quản lý vận hành.

Đức Minh