Công ty cổ phần (CTCP) BOT Trung Lương-Mỹ Thuận cho hay qua hơn 40 ngày vận hành, tổng lưu lượng xe qua tuyến gần 800.000 lượt, trung bình 23.000 lượt xe/ngày đêm. Tuy vậy, con số này gần chạm mốc mãn tải.

cao tốc trung lương mỹ thuận cao tốc bắc nam kẹt xe cao tốc trung lương mỹ thuận
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận thường xảy ra ùn tắc kéo dài, các vụ tai nạn xảy ra liên quan đến việc không có làn dừng khẩn cấp ở hai bên. (Ảnh: dẫn qua Bao Dolla’s/Facebook)

Theo doanh nghiệp dự án, tuyến đường cao tốc BOT Trung Lương-Mỹ Thuận lưu thông đã góp phần giảm tải cho Quốc lộ (QL) 1A giữa TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo đơn vị này, qua hơn 40 ngày vận hành, trung bình có 23.000 lượt xe qua tuyến/ngày đêm.

Con số trên đã gần chạm mức mãn tải của tuyến đường vì nguyên nhân quy hoạch xây dựng và tính toán mật độ lưu thông căn cứ vào mốc thời điểm cách đây đến 13 năm.

Do vậy, với lưu lượng xe về miền Tây như hiện nay có thể cao tốc này không đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến tăng nguy cơ ùn tắc, đặc biệt là trong các tình huống sự cố, tai nạn khi cao tốc này không được trang bị làn dừng khẩn cấp.

Mức phí cao, doanh nghiệp có thể ưu tiên đi QL 1A như trước

Mới đây, CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã đề xuất mức thu phí từ 108.000 – 432.000 đồng cho các xe lưu thông toàn tuyến, tương đương 2.100-8.400 đồng/km. Trong khi đó, mức thu phí của các trạm vùng ĐBSCL hiện cao nhất chỉ có 196.000 đồng/xe, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đưa tin.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh An Giang cho biết qua khảo sát nhanh, nhiều doanh nghiệp cho rằng mức phí này quá cao, tạo áp lực lớn đến các doanh nghiệp vận tải.

Cộng thêm giá xăng dầu tăng “phi mã”, vừa lên hơn 32.300 đồng/lít xăng RON95 và hơn 29.000 đồng/lít dầu Diesel hôm 13/6. Các doanh nghiệp đang cân nhắc việc lựa chọn đi QL 1A như trước thay vì tốn phí đi vào cao tốc này.

Chưa kể, tốc độ tối đa cho phép của tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận chỉ 80km/h và không có làn dừng khẩn cấp, các xe hư hỏng nằm trên đường lưu thông chính dễ gây va chạm, tai nạn và ùn tắc.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải (không nêu danh tính) ở Tiền Giang cho biết toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 7 trạm thu phí đang hoạt động, bao gồm trạm Bạc Liêu, Bến Lức – Đức Hoà, Cần Thơ – Phụng Hiệp, Sóc Trăng, cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu và T1. Tuy nhiên, mức cao nhất trong số các trạm này cũng chỉ ở mức 196.000 đồng/lượt như của trạm T1, cũng theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn.

“Nếu mức giá thu phí này chính thức được áp dụng mà không có điều chỉnh hợp lý hơn, tôi chọn đi QL 1A”, vị này nói.

Theo báo Lao Động, hiện nay dọc 2 tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương (49,6km) và Trung Lương – Mỹ Thuận (51,5km) chỉ có 1 trạm dừng nghỉ tại km28+200. Đoạn từ km28+500 đến cuối tuyến (km101+126) dài 73km chưa được bố trí các trạm dừng nghỉ trên tuyến để cho các phương tiện dừng kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, nghỉ ngơi cho lái xe và người tham gia giao thông, đảm bảo đúng yêu cầu và tổ chức an toàn giao thông theo quy định.

Bên cạnh đó, toàn tuyến cao tốc này có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên tuyến với khoảng cách trung bình 10km/điểm dừng. Chiều rộng điểm dừng xe khẩn cấp chỉ 2m nên không khả thi để xe di chuyển tới điểm dừng, đặc biệt các loại xe container, dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ xử lý nhanh và kịp thời các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định của quy trình quản lý vận hành.

Tiến Minh