Trong lúc căng thẳng giữa Bắc Kinh và thế giới bên ngoài ngày càng gia tăng, các công ty đa quốc gia đã đầu tư số tiền khổng lồ trong hai thập kỷ qua vào những gì họ tin là thị trường của tương lai, nay lại đang phải đối mặt với một lựa chọn quan trọng: Họ có nên bắt đầu giảm đầu tư và hạn chế tiếp xúc với Trung Quốc, hay vẫn nên tiếp tục với hy vọng rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn định trở lại?

Embed from Getty Images

Trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek, Giám đốc điều hành của tập đoàn đa quốc gia Suntory của Nhật Bản chuyên sản xuất đồ uống, ông Takeshi Niinami đã thừa nhận những rủi ro ngày càng tăng trong kinh doanh ở Trung Quốc, trong đó tình huống xấu nhất có thể xảy ra là “tịch thu tài sản”.

Ông Niinami nói: “Chúng tôi phải quyết định xem có nên mở rộng cơ sở sản xuất ở Trung Quốc nữa hay không. “Chúng tôi có nên đầu tư nhiều hơn nữa vào Trung Quốc hay không khi biết rằng khả năng bị tịch thu là có thể? Chúng tôi có nên chấp nhận rủi ro hay không? Ở mức độ nào? Nếu đó là 10 tỷ yên (tức 91 triệu USD), thì chắc là không. 5 tỷ? Còn có thể.”

“Vì vậy, chúng tôi phải đánh giá xem chúng tôi có thể chịu đựng được bị tịch thu ở mức độ nào. Đây là phân tích rủi ro. Và tôi tin rằng chúng ta sớm hay muộn cũng phải đi đến quyết định thôi,” ông nói.

CEO Suntory cho biết ông và các đồng nghiệp ở Trung Quốc đã quyết định rằng vẫn sẽ tiếp tục hoạt động Đại lục. “Chúng tôi dứt khoát phải (làm ăn) ở đó,” ông nói thẳng.

Đó cũng là kết luận mà các công ty đa quốc gia Nhật Bản đã đưa ra trong nhiều thập kỷ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và hai nước có mối quan hệ kinh tế sâu rộng với nhau. Vào năm 2020, năm mà Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ với tư cách là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, thì đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc là 11,3 tỷ USD. Nhìn chung, tới nay nó đã lên tới 141,6 tỷ đô la, nhiều hơn gần 20 tỷ đô la so với đầu tư của Hoa Kỳ vào đó.

Giám đốc điều hành Suntory cho biết việc thiết lập nền tảng kỹ thuật số từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) là rất quan trọng với Suntory, và điều đó có nghĩa là phải hợp tác với các công ty Trung Quốc như Alibaba và Tencent, những công ty có rất nhiều dữ liệu người tiêu dùng theo thời gian thực. Ông cũng hiểu rõ rằng “dữ liệu luôn được giám sát bởi chính phủ Bắc Kinh.”

Chính phủ Nhật Bản và các công ty của họ, giống như các doanh nghiệp Mỹ, đã trở nên cảnh giác hơn nhiều về việc đầu tư công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực quan trọng tại Trung Quốc như trí tuệ nhân tạo, viễn thông và máy tính – nhìn chung là tất cả các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng. Ông Niinami thừa nhận rằng một công ty sản xuất sản phẩm tiêu dùng như Suntory có thể cảm thấy yên tâm hơn khi đầu tư vào Trung Quốc so với các công ty công nghệ.

Tuy vậy, một trong những lý do mà một công ty sản phẩm tiêu dùng như Suntory cần có mặt ở Trung Quốc lại là công nghệ, cụ thể là những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. 

“Ở lại Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn, bởi vì họ có công nghệ AI hiện đại. Nó thực sự tiên tiến trong lĩnh vực tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi chắc vẫn phải ở đó thôi”, ông nói. ”Tôi đành phải chấp nhận rủi ro vậy.”

Đông A (theo Newsweek)

Xem thêm: