Dành 50 phút đầu tiên của phiên chất vấn sáng nay (17/11) trả lời các câu hỏi được đại biểu gửi tới trong chiều qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã giải trình trước Quốc hội các vấn đề về xử lý nợ xấu, điều hành tỷ giá, xử lý ngân hàng yếu kém, xếp hạng tín nhiệm ngân hàng, thiệt hại trong bão lũ, giải pháp để người dân quay trở lại sản xuất…

le minh hung c
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trả lời chất vấn sáng 17/11. (Ảnh: VGP)

Vấn đề nợ xấu là mối quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) chất vấn về tính hiệu quả của nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Việc chưa hoàn thiện xử lý nợ xấu tài sản là vấn đề gì? Đâu là giải pháp của ngành?

Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) chuyển cho Thống đốc câu hỏi của cử tri: Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường?

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nói người dân bất an với việc mua bắt buộc ngân hàng 0 đồng. “Trên 80% vốn ngân hàng đều là tiền gửi của nhân dân, nếu đổ vỡ sẽ tạo hiệu ứng domino gây thiệt hại nặng nề“, ông Vượt nêu vấn đề.

Trước những lo ngại về sức khỏe ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong báo cáo với các đại biểu Quốc hội đã nêu rõ, số liệu nợ xấu là nợ xấu “nội bản” của các tổ chức tín dụng.

“Như đã báo cáo Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 về vấn đề tình hình nợ xấu và thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng, chúng tôi đã báo cáo rất rõ ràng những số liệu. Theo số liệu cập nhật cho đến tháng 9 năm 2017, tỷ lệ nợ xấu nội bản của các tổ chức tín dụng là ở mức 2,34% giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016“, Thống đốc cho hay.

Tuy nhiên, ông Hưng lưu ý: “Nhưng nếu đánh giá một cách thận trọng một số khoản nợ có thể tiềm ẩn trở thành nợ xấu cộng với nợ xấu nội bản và nợ xấu đã bán cho công ty VAMC mà chưa xử lý được thì nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng“.

Ước tính đến cuối tháng 9/2017 là khoảng 500,66 nghìn tỷ, tức giảm hơn so với con số 600 nghìn tỷ vào cuối năm 2016 đã báo cáo với đại biểu tại kỳ họp thứ 3. Như vậy các khoảng tiềm ẩn nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay vào cuối tháng 9 năm 2017 là ở mức 8,61% giảm so với con số 10,08% vào cuối năm 2016. 

Về việc điều hành tỷ giá, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) chỉ ra việc neo giữ tỷ giá quá lâu sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng, hàng hóa xuất khẩu.

Trước câu hỏi này, Thống đốc Hưng không trả lời trực tiếp vào nội dung, thay vào đó nêu ra các yếu tố chi phối việc hoạch định và điều hành chính sách tỷ giá của ngân hàng trung ương, với 4 yếu tố gồm kiểm soát lạm phát, trả nợ nước ngoài, tác động đối với giá hàng nhập khẩu, tâm lý kỳ vọng. 

Người đứng đầu NHNN khẳng định khi áp dụng  cơ chế tỷ giá trung tâm từ tháng 1/2016 “thì diễn biến tỷ giá thị trường ngoại hối là hết sức tích cực”. Ông Hưng cho hay năm 2016 đã mua vào dự trữ ngoại hối là hơn 9 tỷ đô la dù cán cân thanh toán thặng dư chỉ khoảng 5 tỷ đô la. 6 tháng đầu năm 2017 mặc dù nhập siêu nhưng vẫn tiếp tục mua dự trữ ngoại hối, tính đến nay đã mua hơn 7 tỷ đô la.

Tổng dự trữ ngoại hối của chúng ta hơn 46 tỷ đô la, thị trường ngoại hối hết sức ổn định“, Thống đốc Hưng cho hay, đồng thời khẳng định với quy mô của dự trũ ngoại hối , khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ với chính sách tỷ giá hiện có hoàn toàn có thể chủ động ứng phó với biến động của khu vực và quốc tế.

Việc lần lữa ra gia hạn hạn chế cho vay ngoại tệ được đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ra. Đại biểu chất vấn: theo quy định hiện hành, chính sách cho vay ngoại tệ có thời hạn đến 31/12/2017; sau thời điểm này, nguồn vốn này có tiếp tục được triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp hay không?

Đáng lưu ý, đây không phải lần đầu tiên NHNN kéo dài quy định này.

Trả lời về điều này, Thống đốc Hưng thừa nhận trong lộ trình ổn định tỷ giá va thực hiện lộ trình chống đô la hóa, có một nhóm giải pháp trong đó có việc là chấm dứt quan hệ vay vốn bằng ngoại tệ và tiến tới chuyển sang quan hệ mua bán. Đây là một bước lộ trình để củng cố ổn định giá trị của đồng VN. Tuy nhiên, ông Hưng cho biết từ thực tiễn của điều kiện của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thì NHNN cho phép gia hạn việc cho vay  ngoại tệ đối với doanh nghiệp, đặc biệt là vốn vay ngắn hạn vì chi phí vay của doanh nghiệp vay ngoại tệ thấp hơn so với chi phí vay tiền đồng. 

Mặc dù vậy, Thống đốc Hưng cho biết thời gian tới, NHNN sẽ báo cáo Chính phủ tiếp tục kiên trì định hướng là từng bước hạn chế lộ trình vay ngoại tệ. “Tuy nhiên chúng tôi khẳng định phải có lộ trình và đáp ứng được doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nên ít nhất năm 2018 hoạt động vay ngoại tệ tiếp tục gia hạn“, ông Hưng cho hay. 

Đáng chú ý, trước chất vấn của đại biểu Mai Thị Thúy (Tuyên Quang), đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) về các giải pháp hỗ trợ người dân trong thiên tai bão lũ, Thống đốc Hưng đã đưa ra con số thiệt hại nặng nề.

Qua thống kê sơ bộ, số dư nợ vay vốn bị thiệt hại do bão số 2, mưa lũ tháng 8 và cơn bão số 10 vừa qua là hơn 1.000 tỷ đồng, với số lượng khách hàng vay vốn bị thiệt hại là hơn 23.000 khách hàng – ông Hưng cho hay. Về giải pháp, ông Hưng cho hay áp dụng theo quy định tại nghị định số 55 của chính phủ về chính sách tín dụng để phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Cụ thể là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay và vay nợ để tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ.

Thứ 2 là trường hợp tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị mà gặp rủi ro thì khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, khoanh nợ nhưng vẫn gặp khó khăn thì có thể trình Thủ tướng chính phủ để xem xét xóa nợ.

Đối với ngân hàng chính sách xã hội sẽ phải thực hiện cơ chế xử lí nợ bị rủi ro theo quyết định số 50 của Thủ tướng chính phủ, như gia hạn nợ, khoanh nợ, miễn giảm lãi vay và xóa nợ.

Nhóm PV (ghi)

Xem thêm: