Là người đầu tiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội hôm nay (16/11), có tới 48 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Con số nợ công hơn 3 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2017, tình trạng thủ tục chồng chéo, phức tạp trong tiền kiểm, hậu kiểm hải quan… đang được các đại biểu đưa ra. 

bo truong bo tai chinh dinh tien dung
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong buổi trả lời chất vấn Quốc hội sáng 16/11. (Ảnh: VGP)

Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đưa ra các vấn đề về thủ tục hải quan quá phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết thực tế công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian qua đang là một trở ngại lớn như việc kéo dài thời gian thông quan hàng hóa về các cửa khẩu đã làm tăng chi phí và gây rất phiền hà cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính có vai trò là đơn vị thường trực của ủy ban quốc gia về tạo điều kiện cho thương mại, vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để góp phần nâng cao hiệu quả cho công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thúc đẩy việc làm hàng hóa hơn trong xuất nhập khẩu trong tình hình hiện nay?“, ông Tạo đặt câu hỏi.

Trong khi đó, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đặt vấn đề về việc phối hợp giữa Bộ Tài chính và các bộ ngành nhằm thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa quốc gia” và những giải pháp tiếp theo để nâng cao hơn nữa hiệu quả  cơ chế này trong thời gian tới.

Trả lời đại biểu Nguyễn Tạo, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết cơ quan này đã xây dựng một đề án quản lý nhà nước về hải quan, Thủ thướng đã phê duyệt tại quyết định 2026 năm 2015.

Bộ trưởng cho hay đề án giao cho 13 Bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện sửa đổi các văn bản pháp luật rồi nâng cao chất lượng hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thiểu số lượng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu và áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành, và chuyển mạnh từ hậu kiểm sang tiền kiểm.

“Với đề án 2026 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành đã chỉnh sửa được xong 66/87 văn bản pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành của thông quan hàng hóa, đạt 76%”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Theo Bộ trưởng, hiện có khoảng 200 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành trước khi thông quan với khoảng 100.000 hàng hóa, mặt hàng. Trong năm 2017, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức các đợt làm việc, tập trung vào áp mã HDS đối với các danh mục hàng hóa theo chuyên ngành theo thông tư của Bộ Tài chính.

Kết quả, đã rà soát được 50 danh mục hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Công thương… và hiện vẫn đang làm việc với các Bộ, ngành.

Dẫn Báo cáo Kiểm tra đo đếm thời gian thông quan, ông Dũng cho hay:28% thời gian thông quan là trách nhiệm của Hải quan, còn lại 72% là trách nhiệm của các Bộ, ngành.

Mà trách nhiệm của các Bộ, ngành là liên quan đến các quy định về kiểm tra chuyên ngành. Cho nên, đây là khâu chốt rất quan trọng mà chúng ta phải tháo, nếu không tháo được thì chúng ta sẽ không có động lực để thúc đẩy giao lưu thương mại hàng hóa qua biên giới, mà giá trị xuất nhập khẩu hiện nay gấp đến 1,6-1,7 lần so với giá trị GDP, cho nên, đây là điều rất quan trọng”.

Bộ trưởng Dũng nêu vấn đề hiện nay các Bộ, ngành chưa ủy quyền việc kiểm tra chuyên ngành cho các đơn vị kiểm định của Hải quan. “Chúng ta là quốc gia xuất nhập khẩu, mà chúng ta không tháo được cái nút này thì rất là ách tắc cho hoạt động xuất nhập khẩu”, ông Dũng nói.

Thừa nhận tình trạng thủ tục thông quan nhiều giấy tờ, chồng chéo, nhiều đầu mối kiểm tra chuyên ngành, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết thời gian tới sẽ khắc phục các vấn đề trên. Ông Dũng lưu ý “sẽ phải chuyển mạnh theo chỉ đạo của Thủ tướng về quản lý theo rủi ro và hậu kiểm”, vì hiện nay hoạt động kiểm tra chuyên ngành đang theo tiền kiểm là rất lớn. Đối với nhiều hàng hóa, tiền kiểm sẽ không đáp ứng được thời gian thông quan, không đáp ứng được yêu cầu của quản lý chất lượng hàng hóa.

Về câu hỏi của đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đối với thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa quốc gia”, Bộ trưởng Dũng nói:

“Như đại biểu Quốc hội đã biết, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Hải quan và thuế là khá tốt, được đánh giá đứng đầu trong 5 năm qua trong khối các bộ, ngành. Thế nhưng, để kết nối “một cửa quốc gia” với các bộ, ngành cũng như là kiểm tra chuyên ngành thì việc đồng bộ công nghệ thông tin với các bộ, ngành là vô cùng quan trọng. Mình muốn làm, mình đang làm nhưng không đồng bộ với công nghệ thông tin kể cả về cơ sở vật chất và trình độ thì sẽ rất khó triển khai”. 

Sau khi xin quyền tranh luận về phần trả lời của Bộ trưởng Dũng về nợ công, Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cũng nhận định về phần trả lời của Bộ trưởng đối với vấn đề thủ tục hải quan quá rườm rà.

Bộ trưởng chưa nói đến các giải pháp đột phá trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng này. Tôi ví dụ vừa rồi có hai vụ việc, thứ nhất là thuốc ung thư ở TP.HCM, thủ tục quá dài, quá lâu và làm cho thời hạn sử dụng thuốc không còn nữa, dẫn đến hàng trăm bệnh nhân không có thuốc dùng; thứ hai, các loại hàng cứu trợ của nước ngoài mà thủ tục thông quan cũng quá lâu, khi đến tay đồng bào thì đã hết tính cấp thiết và ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ“.

——

Câu hỏi thứ hai, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề cập tới vấn đề nợ công. Đại biểu Tạo cho biết qua báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2017 cho thấy vấn đề nợ công đã và đang là mối quan tâm lớn của cử tri cả nước bởi hiện tình hình nợ công đã sát trần cho phép là hơn 60% tổng GDP.

Đây là rủi ro lớn do điều kiện kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn như huy động thuế, phí trên GDP giảm, trong khi Chính phủ vẫn đàm phán ký kết các khoản vay mới.

Điều này ảnh hưởng như thế nào trong việc kiểm soát các việc chi tiêu nợ công trong thời gian tới. Bộ trưởng cho biết giải pháp cho các rủi ro này”, đại biểu tỉnh Lâm Đồng đặt câu hỏi.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lo ngại trước tình trạng khoản nợ gốc và lãi vay phải trả tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Năm 2010, khoảng 100.000 tỷ đồng, đến năm 2017 lên đến 250.000 tỷ đồng.

Ông đặt câu hỏi: “Vậy với tư cách là người chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công, Bộ trưởng có giải pháp cụ thể gì để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo được nguồn vốn để đầu tư cho phát triển?”.

4tran hoang ngan tp
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM). (Ảnh: VGP)

Trả lời chất vấn về nợ công, Bộ trưởng Dũng thừa nhận: “Hiện nay, nợ công đang tăng rất cao trong thời gian vừa qua, áp lực trả nợ lớn. Chúng ta cần có lộ trình giảm dần bội chi là cần thiết để đảm bảo an toàn nợ công”.

Ông Dũng cho biết Bộ chính trị đã ban hành nghị quyết số 07 về tái cơ cấu ngân sách nhà nước và đảm bảo an toàn nợ công bền vững. Quốc hội ra nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020, trong đó giới hạn cho các chỉ tiêu về an toàn nợ công là trần nợ công là không quá 65%, nợ chính phủ là không quá 54%, nợ nước ngoài quốc gia không quá 50%.

Về giải pháp, Bộ trưởng Dũng cho biết hiện Quốc hội đang thảo luận và thông qua luật quản lý nợ công sửa đổi. Bộ Tài chính trình Thủ tướng ban hành nghị định 02 về tăng cường quản lý nợ công, tăng cường phối hợp với các bộ ngành trong quản lý nguồn vốn ODA, quản lý sử dụng nợ công.

Thời gian tới chúng ta vay ngân hàng thế giới chủ yếu là vay ODA và kết hợp vay ưu đãi. Đầu tư từ nguồn vốn vay, công sẽ chỉ tập trung  cho dự án quan trọng” – ông Dũng cho biết.

Ngoài ra, xác định mức bội chi ngân sách nhà nước và cắt giảm bội chi theo lộ trình. Trong báo cáo Quốc hội về kế hoạch tài chính 3 năm, kế hoạch bội chi năm 2017 là 3,5%, năm 2018 là 3,7%, năm 2019 là 3,6% và năm 2020 là 3,4%.

Tiếp đến là cần tiếp tục siết chặt bảo lãnh chính phủ. “Trong năm nay, năm ngoái chính phủ không bảo lãnh thêm một dự án nào, đặc biệt là dự án doanh nghiệp, có giải ngân các dự án có bảo lãnh nhưng là các dự án bảo lãnh trước.

Hai ngân hàng chính sách, trong nghị quyết Bộ chính trị cũng như trong nghị quyết Quốc hội, chúng ta chỉ bảo lãnh phát hành ngang bằng với số trả nợ không phát hành số dư tăng thêm”, người đứng đầu Bộ Tài chính nói.

Vay ODA cũng trong giới hạn 300.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn 5 năm mà Quốc hội đã thông qua, đến năm nay là năm thứ hai, đến năm thứ 3 là năm 2018 vẫn nằm trong giới hạn này. 

Chân Hồ – Vĩnh Long (ghi)

Xem thêm: