Bộ Công thương Việt Nam xác nhận trong khối các doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn như hóa chất, vật liệu xây dựng (xi măng, gốm sứ…), giấy, bột giấy… Chi phí năng lượng đối với nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm.

viet nam hao phi nang luong
Việt Nam cho hay cần tiết kiệm năng lượng ở mức 16 triệu TOE để phát triển KT-XH được theo kế hoạch. Ảnh: Một kỹ thuật viên đang sửa chữa hoặc kiểm tra mạng lưới điện lộn xộn trên một con đường ở Hà Nội, tháng 6/2019. (Ảnh minh họa: Evgenii mitroshin/Shutterstock)

Một bản tin vận động trên Cổng thông tin Bộ Công thương ngày 13/4 nhắc lại việc khối Chính phủ đã thống nhất cần tiết kiệm từ 8-10% năng lượng tiêu thụ tính đến năm 2030.

Nội dung này nằm trong Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Chương trình này đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 – 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc từ năm 2019-2025 và từ 8 – 10% từ 2019-2030. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng (khoảng 600 tỷ đồng ngân sách Trung ương; khoảng 1.600 tỷ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại; khoảng 2.200 tỷ đồng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi).

Mức mục tiêu tiết kiệm 8-10% năng lượng tiêu thụ tương đương với khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE – tons of oil equivalent). Con số này đang lớn gấp 3,75 lần so với mức tiết kiệm công bố đã đạt được từ năm 2006-2015 (đã tiết kiệm khoảng 16 triệu TOE, tương đương khoảng 103,7 tỷ kWh điện).

Bộ Công Thương xác nhận hiện chi phí năng lượng đối với nhiều ngành/lĩnh vực sản xuất công nghiệp chiếm hơn 60% giá thành sản phẩm. Nhiều lĩnh vực có mức thâm dụng năng lượng lớn như hóa chất, vật liệu xây dựng (xi măng, gốm sứ…) luyện kim (sản xuất gang, thép…), giấy và bột giấy…

Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp đang sử dụng những máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu, gây hao phí năng lượng; hạn chế về năng lực tài chính để chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật, thay thế thiết bị dây chuyền lạc hậu.

Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đang đưa ra phương hướng căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương để giao kế hoạch (phân bổ) và gắn trách nhiệm của người đứng đầu.

Ông này đưa ra nghiên cứu gần đây do Ngân hàng thế giới và Bộ Công Thương thực hiện, rằng 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam có thể chia thành 7 nhóm với mục tiêu tiết kiệm năng lượng khác nhau căn cứ vào đặc điểm tương đồng về tiềm năng tiết kiệm năng lượng, cơ cấu kinh tế, đặc điểm dân cư…

Đối với doanh nghiệp, giải pháp là xây dựng và vận hành quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Quỹ này hoạt động với chức năng cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi, thủ tục thuận lợi để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thay thế máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất theo hướng hiệu quả về mặt sử dụng năng lượng.

“Bù chéo” giá điện: Vì sao bất cập?

Tình trạng lãng phí năng lượng của Việt Nam đã nhiều lần được nhắc đến. Theo các số liệu được công bố công khai, hồi năm 2009, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5-1,7 lần (tức là để làm ra một giá trị sản phẩm như nhau, Việt Nam phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần). Tỷ lệ giữa tăng trưởng nhu cầu năng lượng so với tăng trưởng GDP của Việt Nam lên đến 2 lần, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là dưới 1, tức để đạt cùng mức tăng trưởng, Việt Nam phải hao phí năng lượng gấp hơn 2 lần.

Hơn 10 năm sau, tháng 7/2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết theo các khảo sát, tính toán, hiệu suất sử dụng năng lượng trong nhiều nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của Việt Nam chỉ đạt được từ 28 – 35%, thấp hơn hiệu suất từ 8 – 10% ở các nước phát triển. Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010, sau đó nâng lên xấp xỉ 70% vào năm 2014 nhưng mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới – hiệu suất khoảng 10%, còn nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa.

“Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh, hàng tiêu dùng,… có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể tới trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ [có] tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ.” – theo ông Vượng.

Theo “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″ (Nghị quyết số 55-NQ/TW), trong 10 năm 2021 – 2030, năng lượng sơ cấp đến năm 2030 phải đạt khoảng 175 – 195 triệu TOE, đến năm 2045 là khoảng 320 – 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 phải đạt khoảng 125 – 130GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 – 600 tỷ KWh.

Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 ở mức 105 – 115 triệu TOE, năm 2045 ở mức 160 – 190 triệu TOE.

Nguyễn Minh

Xem thêm:

Phát triển thủy điện nhỏ: Lợi ít, hại nhiều, rừng tiêu điều, dân khốn khó