Sản lượng thấp, chênh lệch chi phí cao và tiêu chuẩn chưa đảm bảo đang khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. 

ngành công nghiệp ô tô, linh kiện ô tô
Bên trong một nhà máy lắp ráp ô tô tại Cộng hòa Séc, tháng 4/2011. (Ảnh: Nataliya Hora/Shutterstock)

Quy mô nhỏ, hàm lượng công nghệ thấp

“Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn chưa thể làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, truyền động. Cùng với đó là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp khiến giá bán xe vẫn còn ở mức cao” – thông tin do Bộ Công thương đưa ra tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu”, do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 28/11.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngành công nghiệp ôtô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Thái Lan, Indonesia, Malaysia phát triển công nghiệp ô tô từ năm 1960 trong khi đến năm 1991, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam mới ra đời.

Mặc dù vậy, sau gần 30 năm, ngành công nghiệp này còn nhiều hạn chế, phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Theo Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn các quốc gia trong khu vực. Mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào 2010 nhưng đến nay mới chỉ đạt bình quân khoảng 7-10%. Các sản phẩm đã được nội địa hóa có hàm lượng công nghệ thấp như săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa….

Mặc dù vậy, hiện chỉ có một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. So sánh với Thái Lan, quốc gia này có gần 700 nhà cung cấp cấp 1 và khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và 3 nhưng Việt Nam có chưa đến 100 nhà cung cấp 1 và chưa đến 150 nhà cung cấp cấp 2 và 3.

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp; phụ thuộc vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiến, truyền động.

Phó cục trưởng cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cho hay ngành sản xuất lắp ráp ôtô chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thật sự; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn; giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực.

Ông Tuấn Anh lý giải nguyên nhân của tình trạng này là do dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chưa đủ các điều kiện về thị trường cũng như các yếu tố khác để phát triển. “Hệ thống chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô còn có những mâu thuẫn, thiếu nhất quán, thiếu tính ổn định. Việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô vẫn còn chưa mang lại hiệu quả”, ông Tuấn Anh nói.

Cần bắt đầu từ ngành công nghiệp hỗ trợ

Từ góc độ doanh nghiệp, bà Đỗ Thu Hoàng, Phó Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho rằng trong bối cảnh thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) về 0%, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có quy mô nhỏ và sản lượng thấp đã khiến cho chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, đặc biệt là chi phí khấu hao.

“Do sản lượng sản xuất xe trong nước còn quá nhỏ nên các nhà sản xuất phần lớn phải nhập khẩu các linh kiện để sản xuất ô tô. Điều này cũng dẫn đến chi phí rất cao cho việc đóng gói, vận chuyển, thuế nhập khẩu. Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô cũng không phát triển được do sản lượng thấp. Các yếu tố bất lợi kể trên làm cho chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn so với Thái Lan, Indonesia. Hiện chi phí sản xuất xe ô tô sản xuất tại Việt Nam cao hơn khoảng 10-20% so với Thái Lan và Indonesia”, bà Hoàng nói.

Theo đại diện Toyota Việt Nam, để duy trì và phát triển lĩnh vực phát triển công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực chế tạo và sản xuất ô tô trong nước, Chính phủ cần sớm có các chính sách thúc đẩy về thuế và công nghệ.

“Cốt yếu vẫn là chính sách thuế ưu đãi, thuế tiêu thụ đặc biệt để tạo ra sức cạnh tranh cho ngành sản xuất ô tô trong nước. Bên cạnh đó, khi Chính phủ có ưu đãi với các nhà sản xuất và nhà cung cấp sản phẩm hỗ trợ, họ sẽ có điều kiện để đầu tư vào công nghệ và quy trình quản lý, từ đó giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp”, bà Hoàng kiến nghị.

ngành công nghiệp ô tô, linh kiện ô tô
Sản phẩm tại nhà máy sản xuất linh kiện cơ khí Hirota, khu công nghiệp Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 6/2019. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco Trường Hải, kiến nghị Chính phủ nên xem xét bỏ tiêu chuẩn để được áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện ôtô để sản xuất trong nước. Vì khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.

Ông Tài cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét giảm thuế nguyên liệu để sản xuất linh kiện, vật tư ôtô về 0% nhằm giảm chi phí nguyên liệu, vật tư để sản xuất ra linh kiện; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước vì nếu giảm thuế này, tỷ lệ nội địa hóa xe trong nước sẽ tăng và giúp giá xe giảm. Các nước như Malaysia đã áp dụng chính sách này từ rất lâu – ông Tài cho hay.

Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, ông Hironobu Kitagawa cho biết theo kết quả khảo sát năm 2018, khi được hỏi về kế hoạch triển khai hoạt động trong thời gian từ 1-2 năm tới, gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh”. Tuy nhiên, một trong số những khó khăn là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp.

“Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36,3%. Tuy có tăng hàng năm nhưng vẫn còn thấp so với tỷ lệ của Trung Quốc 66%, tỷ lệ của Thái Lan 57%. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam…”, ông Hironobu cho hay.

Theo ông Hironobu, ngành sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư hay còn gọi là “ngành công nghiệp hỗ trợ” phần lớn do doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm nhận. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam. “Nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú ý, quan tâm đến ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam”, theo đại diện JETRO.

Theo ông Phan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Nam năm 2016, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, 40% GDP Việt Nam, tuy nhiên nhóm này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do chưa đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như thiếu tiềm lực cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Năm 2017, chỉ 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam đạt chuẩn trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 30% ở Thái Lan và 46% ở Malaysia.

Sơn Nguyên

Xem thêm: