Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm đột ngột hơn 1.000 điểm, tương đương 3,12% vào phiên giao dịch ngày 5/5, một ngày sau thông báo tăng lãi suất thị trường của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Chi so Dow Jones giam gan 1.300 diem ngay 5 5 Dow Jones giam diem
Chỉ số Dow Jones quay đầu giảm mạnh hơn 1.000 điểm sau khi FED thông báo tăng lãi suất thị trường lên nửa điểm phần trăm vào hôm 4/5. (Ảnh minh họa: Pavel Ignatov/Shutterstock)

Thị trường chứng khoán Mỹ có một phiên giao dịch ảm đạm với nhiều chỉ số giảm mạnh. Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất 1.062 điểm, tương đương 3,12%; chỉ số S&P 500 giảm 153,3 điểm, khoảng 3,56% và Nasdaq Composite giảm 647,1 điểm, tương đương giảm gần 5%.

Sự sụt giảm lớn của các chỉ số trên trong phiên giao dịch ngày 5/5 đã đảo ngược đà tăng của thị trường ngày 4/5. Theo ghi nhận, chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu tuần, sau khi kết quả kinh doanh tháng 4 kém khởi sắc.

Ngay sau khi FED đưa ra tuyên bố tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm vào ngày 4/5, chỉ số Dow Jones đã tăng 932 điểm, tương đương 2,81%; chỉ số S&P 500 tăng 2,99%, mức tăng lớn nhất kể từ ngày 18/5/2020. Tuy vậy, các chỉ số trên đã quay đầu giảm mạnh.

Sự việc trên được châm ngòi bởi những bình luận từ Chủ tịch FED Jerome Powell, người cho biết ngân hàng trung ương “không chủ động xem xét” tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo, ngay lập tức khiến cổ phiếu tăng cao hơn, đồng USD và lãi suất trái phiếu kho bạc xuống thấp hơn.

Tuy nhiên, cách tiếp cận vừa đủ của ông Powell vẫn hứa hẹn tăng lãi suất nửa điểm phần trăm, và ông nói rằng sẽ cần kiềm chế tình trạng lạm phát tăng vọt hoặc sự suy giảm của thị trường việc làm trước khi ngân hàng trung ương hành động để làm chậm tốc độ tăng lãi suất.

Thị trường trái phiếu ngày 5/5 cũng chứng kiến sự đảo chiều lớn so với đợt tăng trước đó, với lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm, tăng trở lại trên 3% (tương đương giá trái phiếu giảm) lên mức cao nhất trong bốn năm.

Một số nhà kinh tế dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ đang hướng tới một cuộc suy thoái, với các lĩnh vực như nhà ở và ôtô đã có dấu hiệu suy yếu do sự nhạy cảm của họ đối với lãi suất.

Lãi suất tăng có xu hướng gây áp lực tiêu cực lên các cổ phiếu công nghệ định hướng tăng trưởng, vì chúng làm cho thu nhập trong tương lai kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Do vậy, các cổ phiếu công nghệ lớn phải đối mặt với tổn thất đáng kể do sự gia tăng lãi suất. Cụ thể, cổ phiếu của Công ty Meta Platforms, Amazon mất lần lượt 6,8% và 7,6%; trong khi cổ phiếu của Microsoft giảm 4,4% và Salesforce giảm 7,1%.

Tương tự, cổ phiếu thương mại điện tử cũng mất điểm sau khi thị trường lao dốc sau một số báo cáo hàng quý đáng thất vọng, với Công ty Etsy và eBay giảm lần lượt 16,8% và 11,7%, trong khi Shopify giảm 14,9%.

Các cổ phiếu phụ thuộc vào tin tức về tăng trưởng kinh tế tích cực cũng bị rớt điểm. Ví dụ như: Công ty Caterpillar mất 3%, Ngân hàng JPMorgan Chase mất 2,5% và Công ty The Home Depot giảm 5,1%.

Chỉ số S&P 500 đã chứng kiến một đợt bán tháo lớn, với hơn 80% cổ phiếu bị ảnh hưởng dù cổ phiếu của các công ty này hoạt động bình thường như: Tập đoàn Chevron, Công ty Coca-Cola, Duke Energy,…

Một số nhà kinh tế phố Wall vẫn hy vọng rằng thị trường sẽ chứng kiến một đợt tăng lãi suất nhẹ sau khi tăng lãi suất vào tháng 5, vì những bình luận của Chủ tịch FED đã làm giảm bớt lo ngại của nhiều nhà đầu tư về khả năng kiềm chế được lạm phát của ngân hàng trung ương mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Báo cáo ngày 5/5 của Bộ Lao động Mỹ về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần cho thấy tăng 19.000 trong tổng số khoảng 200.000 đơn.