Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Việt Nam tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là TP.HCM và hàng loạt các tỉnh phía Nam.

cong ty minh nguyen test nhanh cong nhan
Công nhân tại Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên (TP Thủ Đức) trong một đợt test nhanh tại công ty, ngày 21/7/2021. (Ảnh minh họa: Kha Le/Facebook)

Tại Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2021. Bộ Công Thương cho biết IIP tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính theo ngành, so với cùng kỳ năm trước, ngành khai khoáng giảm 2,4%; ngành chế biến, chế tạo giảm 9,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt.. tăng 1,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2%.

Tính theo các tỉnh thành, trong tháng 8, chỉ số sản xuất tháng 8 so với cùng kỳ năm trước tại nhiều nơi giảm mạnh. Mức giảm cao nhất là tỉnh Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; TP.HCM giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%; Hậu Giang giảm 29,5%; Khánh Hòa giảm 28,6%; Tiền Giang giảm 27%; Cần Thơ giảm 25,9%; Kiên Giang giảm 25,6%; Long An giảm 20,9%; Đà Nẵng giảm 17,1%; An Giang và Quảng Nam cùng giảm 15,5%; Đồng Nai giảm 13,3%; Bình Dương giảm 12,6%; Hà Nội giảm 6,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 3,7%.

Trong khi đó, một số tỉnh phía Bắc có ghi nhận tăng, song trong tương quan tăng thấp hơn so với mức giảm ở phía Nam: mức IIP tăng cao nhất là tại Hải Phòng, tăng 21,2%; kế đến lần lượt là Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%; Ninh Thuận và Nam Định cùng tăng 14,2%; Quảng Trị tăng 13,7%; Bắc Giang tăng 13,1%; Kon Tum tăng 12,5%; Quảng Ngãi tăng 11,4%.

Xem thông tin chi tiết chỉ số IIP của Việt Nam theo ngành trong tháng 8 và 8 tháng năm 2021: IIP-Vie.

Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP của Việt Nam ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020. Mặc dù con số này cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 6,2%; ngành chế biến, chế tạo tăng 7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.

IIP 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước của một số tỉnh thành giảm mạnh, gồm:

(1) Đồng Tháp giảm 10,9% do ngành dệt giảm 66,1%; sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 47,4%; sản xuất đồ uống giảm 29%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 11,8%.

(2) Khánh Hòa giảm 7,9% do sản xuất mô tô, xe máy giảm 24,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 19,4%; sản xuất đồ uống giảm 16,7%; sản xuất trang phục giảm 2,3%.

(3) Bến Tre giảm 6,9% do ngành dệt giảm 19,6%; sản xuất sản chế biến thực phẩm giảm 12,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 12,5%; sản xuất trang phục giảm 10,3%.

(4) TP.HCM giảm 6,6% do sản xuất trang phục giảm 18,5%; sản xuất đồ uống giảm 17%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 14,2%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 13,3%; sản xuất sản phẩm tử kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) giảm 12,7%.

(5) Trà Vinh giảm 4% do sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 31,2%; sản xuất trang phục giảm 13,2%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 7,7%.

(6) Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 3% do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 4,4%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/8/2021 giảm 5,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm trước.

Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 0,8% và giảm 4,3%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 5,6% và giảm 9,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6% và giảm 12%.

Tính theo ngành, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 5,8% và giảm 11,4%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí giảm 0,1% và tăng 2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,7% và giảm 4,1%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) là chỉ tiêu đánh giá tốc độ phát triển sản xuất ngành công nghiệp hàng tháng, quý, năm.

Chỉ số được tính dựa trên khối lượng sản phẩm sản xuất, nên còn được gọi là “chỉ số khối lượng sản phẩm công nghiệp”. Đây được xem là chỉ số quan trọng, phản ánh nhanh tình hình phát triển toàn ngành công nghiệp nói chung và tốc độ phát triển của từng sản phẩm, nhóm ngành sản phẩm nói riêng.

IIP được tính bằng tỷ lệ phần trăm giữa khối lượng sản xuất công nghiệp tạo ra trong kỳ hiện tại với khối lượng sản xuất công nghiệp kỳ gốc.

Nguyễn Minh

Xem thêm:

Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam: Bộ test chỉ 100 ngàn đồng nhưng giá test lại 280 ngàn đồng