Chiến tranh Nga-Ukraine làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực, nhiều nước công bố hạn chế xuất khẩu.

shutterstock 283168115 e1626829617707
(Nguồn: Swapan Photography/ Shutterstock)

Ngày 10/3, một bài viết đăng trên tờ “Economist Intelligence Unit” (EIU) cho biết cuộc chiến giữa Nga và Ukraine khiến giá của nhiều loại lương thực tăng lên, đặc biệt là ngũ cốc và dầu thực vật. Vì cuộc chiến ở Ukraine có thể kéo dài ít nhất vài tháng, do đó dự kiến ​​giá nông sản sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.

Giá các sản phẩm năng lượng và các nguyên liệu thô công nghiệp khác leo thang do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra đã làm dấy lên lo ngại của những người trong ngành, đặc biệt là giá nông sản như lúa mì tăng vọt.

Cả Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất và xuất khẩu lúa mì lớn của thế giới. Nga là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới và Ukraine là nước xuất khẩu lớn thứ 4. Nga sản xuất 75 triệu tấn và Ukraine sản xuất 33 triệu tấn lúa mì mỗi năm.

Trong nhiều thế kỷ, Ukraine được biết đến như kho lương thực của châu Âu, và là nhà cung cấp ngũ cốc chính cho các nước ở Bắc Phi, Trung Đông và Đông Nam Á.

Chính phủ Ukraine thông báo sẽ cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản cho đến cuối năm nay, gồm lúa mạch, đường và các sản phẩm từ thịt. Chính phủ Ukraine cho biết họ làm như vậy để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này, ổn định thị trường và đáp ứng nhu cầu lương thực thiết yếu của người dân.

Lượng xuất khẩu của Nga và Ukraine chiếm 30% khối lượng thương mại của thế giới. Tuy nhiên, do chiến tranh Nga-Ukraine, tất cả các cảng ở Biển Đen đã bị cấm đi lại. 3 ‘gã khổng lồ’ vận tải lớn của thế giới gồm Công ty Vận tải biển Địa Trung Hải (MSC), Maersk và CMA CGM cũng thông báo ngừng các đơn đặt hàng mới đến và đi từ Nga, dẫn đến việc ngừng xuất khẩu lúa mì qua đường biển. Hơn nữa, công ty bảo hiểm cũng ngừng kinh doanh bảo hiểm cho các tàu hàng của tất cả các công ty vận tải biển đang hoạt động trên vùng biển này.

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung lúa mì, Hungary, Bulgaria và Moldova, cũng là những nước xuất khẩu lúa mì, đã tuyên bố ngừng xuất khẩu lúa mì. Moldova cũng tuyên bố ngừng xuất khẩu ngô và đường.

Ngày 9/3, RFI bình luận rằng năm xưa, sự bùng nổ của Cách mạng Hoa Nhài (Hoa Lài) ở Trung Đông cũng có liên quan đến giá lúa mì, và hiện giá lúa mì mỗi tấn gần bằng với giá trước cuộc cách mạng này.

Ngày 8/3, giá lúa mì trên thị trường châu Âu đã vượt 450 euro/ tấn, vượt qua giá lúa mì trước cuộc Cách mạng Hoa Nhài và gấp đôi giá lúa mì cùng kỳ năm ngoái.

Đây là một thảm họa khác đối với các nước như Ai Cập, Lebanon, Algeria, Tunisia và Morocco, những quốc gia phụ thuộc nhiều vào lúa mì của Nga và Ukraine.

Nguồn cung dầu ăn toàn cầu cũng bắt đầu thiếu hụt

Nga và Ukraine, cả hai đều là nhà sản xuất dầu hướng dương chính, chiếm gần 80% lượng xuất khẩu toàn cầu, khiến các nước như Ấn Độ phải tranh giành nguồn cung các sản phẩm thay thế như dầu cọ và dầu đậu nành.

Tuy nhiên, Indonesia mới đây đã tuyên bố sẽ thắt chặt các hạn chế xuất khẩu đối với dầu cọ, nhằm đảm bảo giá dầu ăn trong nước vẫn phù hợp túi tiền của người tiêu dùng.

Dầu cọ là loại dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và được sử dụng để làm nhiều sản phẩm, gồm bánh quy, bơ thực vật và sô cô la. Đến nay, giá dầu cọ đã tăng hơn 50%.

Giá dầu cọ Malaysia giao sau tăng lên mức cao kỷ lục sau khi Indonesia tuyên bố hạn chế xuất khẩu, trong khi giá dầu đậu nành tăng lên mức cao nhất trong 14 năm qua. Giá dầu đậu nành đã tăng gần 40% trong năm nay.

Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn thực phẩm khiến quốc tế lo ngại

Ngoài ra, trong năm nay Trung Quốc có thể sẽ gặp phải tình trạng lúa mì tồi tệ nhất trong lịch sử, điều này cũng làm trầm trọng thêm tình hình nguồn cung. Ngày 5/3, ông Đường Nhân Kiện (Tang Renjian), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, nói với báo chí rằng do trận lũ lụt hiếm gặp vào mùa thu đông năm ngoái, 1/3 diện tích trồng lúa mì của nước này đã bị đình trệ, và việc sản xuất lương thực vụ hè năm nay thực sự đang gặp khó khăn rất lớn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh cũng đã khiến quốc tế lo ngại khi nhập khẩu một lượng lớn lương thực dư thừa. Tờ “Asahi Shimbun” của Nhật Bản đưa tin, “an ninh lương thực” đã trở thành chủ đề quan trọng của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đang diễn ra, và lượng nhập khẩu lương thực của Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng.

Nhà nghiên cứu Tống Duy Tuấn của nhóm “Kinh tế chính trị Thiên Quân”, đã viết trong bài “Chiến tranh Nga-Ukraine ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và những ý đồ xấu xa của ĐCSTQ” rằng mặc dù dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc trong những năm qua đều chỉ ra rằng lương thực “bội thu” và tổng sản lượng ngày càng “tăng”, nhưng số liệu hải quan cho thấy số lượng lương thực nhập khẩu ròng (nhập khẩu trừ xuất khẩu) năm 2020 là 139 triệu tấn, tăng 29,9% so với năm 2019.

Từ tháng 1 – 12/2021, khoảng 165 triệu tấn lương thực đã được nhập khẩu, tăng 25,273 triệu tấn, chiếm 18,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu tính toán của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, đến nửa đầu năm 2022, dự trữ lương thực của ĐCSTQ sẽ chiếm 69% dự trữ toàn cầu về ngô, 60% gạo và 51% lúa mì, tất cả đều tăng khoảng 20% ​​trong thập kỷ qua.

Hiện nay, đa số các quốc gia vẫn đang chật vật phục hồi từ cú sốc đại dịch. Do vậy, dư chấn từ cuộc khủng hoảng Ukraine có thể dễ dàng làm trầm trọng thêm những “vết thương kinh tế” do đại dịch COVID-19 gây ra.