Sau khi tiến hành đánh giá về an ninh quốc gia, vào thứ Tư (16/11) Chính phủ Anh đã ra lệnh cho công ty công nghệ Nexperia có nguồn đầu tư từ Trung Quốc phải bán ít nhất 86% cổ phần của Newport Wafer Fab (NWF) ở Anh.

shutterstock 1501235957
(Ảnh minh họa: Gorodenkoff/ Shutterstock)

Nexperia là công ty con ở Hà Lan của công ty bán dẫn khổng lồ Trung Quốc Wingtech. Năm 2019, Wingtech trở thành cổ đông lớn thứ hai của NWF với 14% cổ phần, sau đó 2 năm thì Nexperia mua lại hãng sản xuất chip này. Vào thời điểm đó, công ty có trụ sở tại xứ Wales này đang mắc nợ và bên bờ vực phá sản, động thái mua lại đã làm dấy lên mối lo ngại về việc công nghệ bị lọt vào tay Trung Quốc.

Vào tháng 7/2021, Nexperia đã mua lại toàn bộ cổ phần của NWF và đổi tên thành Nexperia Newport Limited (NNL). Sau đó Chính phủ Vương quốc Anh đã dựa theo Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư (National Security and Investment Act) để thúc đẩy hoạt động xem xét đánh giá các thương vụ khả nghi liên quan.

shutterstock 2136479207
Vào tháng 7/2021, Nexperia đã mua lại toàn bộ cổ phần của NWF và đổi tên thành Nexperia Newport Limited (NNL).

Luật này được thông qua vào năm 2021 cho phép các cơ quan chức năng của Vương quốc Anh xem xét và chặn các hoạt động tiếp quản và đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, đồng thời áp dụng hồi tố đối với các giao dịch đã hoàn tất kể từ tháng 11/2020.

Bộ Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp (BEIS) của Anh đã ban hành lệnh (PDF) vào tối thứ Tư lập luận rằng việc Nexperia kiểm soát NWF có thể tạo thành rủi ro an ninh quốc gia Anh khi có thể khiến công nghệ sản xuất chất bán dẫn hỗn hợp của NWF rò rỉ sang Trung Quốc, gây ảnh hưởng lợi ích chung của Vương quốc Anh.

“Chúng tôi hoan nghênh thương mại và đầu tư nước ngoài hỗ trợ tăng trưởng và việc làm. Tuy nhiên nếu chúng tôi xác định được rủi ro đối với an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ hành động dứt khoát”, đại diện thương mại Grant Shapps của Anh cho biết trên Twitter.

Newport Wafer Fab (NWF) là nhà sản xuất tấm bán dẫn silicon lớn nhất của Vương quốc Anh, những linh kiện cực nhỏ của công ty này được xuất khẩu sang châu Á để sản xuất chip hoặc chất bán dẫn.

Lệnh của BEIS cũng nêu rõ vị trí của cơ sở này nằm ở trung tâm công nghệ cao của khu vực nam xứ Wales, việc Trung Quốc tiếp cận khiến khu vực có thể tham gia vào các dự án liên quan đến an ninh quốc gia.

BEIS cho biết đại diện thương mại Grant Shapps tin rằng lệnh này là “cần thiết và phù hợp để giảm thiểu rủi ro đối với an ninh quốc gia Anh”.

Phía công ty Nexperia viện dẫn hai lần đánh giá an ninh trước đó không tìm thấy mối lo ngại nào về an ninh quốc gia nên họ không chấp nhận lý do mà Chính phủ Anh đưa ra, qua đó có kế hoạch kháng cáo quyết định này.

“Chúng tôi thực sự bị sốc”, CEO Toni Versluijs của Nexperia UK cho biết trong một tuyên bố. “Quyết định này là sai trái và chúng tôi sẽ kháng cáo để hủy bỏ lệnh này, để bảo vệ hơn 500 việc làm tại Newport”, ông Versluijs nói thêm.

Tuy nhiên Chủ tịch Alicia Kearns của Ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh hoan nghênh lệnh này. Nghị sĩ đảng Bảo thủ này cho rằng Vương quốc Anh phải đảm bảo tài sản chiến lược của mình không vì lợi ích ngắn hạn trước mắt mà để “rơi vào tay các nước độc tài”.

“Tôi chắc rằng nhiều người sẽ cảm thấy nhẹ nhõm vì chúng tôi đã không bàn giao cơ sở hạ tầng an ninh quan trọng cho một công ty có quan hệ rõ ràng với Trung Quốc”, bà Kearns cho hay. “Quyết định này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của chính sách tăng cường an ninh quốc gia của Vương quốc Anh, chính sách để bảo vệ các công ty công nghệ và nghiên cứu hàng đầu của chúng tôi không bị rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh”.

Lâu nay công ty Nexperia luôn phủ nhận việc họ chịu kiểm soát từ Trung Quốc. Tuy nhiên trong 13 thành viên quản lý của họ có 2 người là người Trung Quốc (gồm vị trí quan trọng là giám đốc điều hành). Những người còn lại mang hộ chiếu Mỹ, Canada hoặc châu Âu.

Ngày 17/8, Anh đã từng chặn một thương vụ mua lại của Trung Quốc với lý do tương tự. Bộ trưởng Kwasi Kwarteng đã ra phán quyết theo “Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư” để ngăn chặn Công ty Super Orange Hồng Kông (Super Orange HK Holding Limited) mua lại công ty thiết kế phần mềm Pulsic của Anh.

Ngoài Vương quốc Anh, chính quyền Đức cũng đã chặn 2 thương vụ nhà đầu tư Trung Quốc mua hai nhà máy bán dẫn vào hôm 9/11, vì quan ngại mối đe dọa “trật tự và an ninh công cộng”.

Một trong số đó ngăn Trung Quốc tiếp quản một nhà máy của công ty Elmos tại Dortmund, bán cho Silex Thụy Điển – một công ty con thuộc tập đoàn Sai Microelectronics Trung Quốc. Hai là chặn thương vụ về một nhà máy bán dẫn của ERS Electronic có trụ sở tại Bavaria.

Mộc Vệ (t/h)