Chính phủ Việt Nam vừa quyết định bổ sung hơn 910 tỷ đồng cho phần thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông của Bộ Giao thông vận tải.

duong sat cat linh ha dong duong sat ha noi
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Chính phủ Việt Nam bổ sung thêm hơn 910 tỷ đồng vốn thực hiện dự án. (Ảnh: mt.gov.vn)

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 1608 điều chỉnh, bổ sung thêm vốn cho tuyến Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, gồm hơn 223 tỷ đồng vốn trong nước và gần 688 tỷ đồng vốn nước ngoài.

Ông Khái yêu cầu báo cáo việc thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công về Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/1/2023, theo báo Giao Thông.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông dài 13km, tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là gần 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD).

Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Đây là một trong 5 tuyến đường sắt đô thị đội vốn trên toàn quốc.

Cuối năm 2021, đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành thương mại. Số liệu thống kê cuối tháng 11/2022, đường sắt đô thị Cát Linh Hà Đông đã phục vụ khoảng 7,3 triệu lượt khách, trong đó hơn 10.000 người dùng vé tháng sau hơn một năm vận hành chính thức.

Từ khi đi vào hoạt động, đã có trên 66.580 lượt tàu chạy, với doanh thu khoảng 53 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20% mỗi tháng.

Ở TP.HCM, ngày 21/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã chạy thử đoạn trên cao dài gần 10 km, từ ga Suối Tiên đến Bình Thái, sau thời gian thử nghiệm tại depot Long Bình, TP. Thủ Đức.

Được biết, tốc độ thiết kế đoạn trên cao đạt tối đa 110km/h. Sau khi hoàn tất chạy thử từ ga Suối Tiên đến Bình Thái, tàu Metro số 1 sẽ tiếp tục thử nghiệm ở các đoạn khác vào tháng 1/2023 cùng với thử nghiệm hệ thống bảo vệ tàu tự động ATP (có tín hiệu).

Tiếp đó, đến tháng 3/2023, tàu metro sẽ chạy thử trên toàn tuyến và sau đó hoàn thiện, khai thác thương mại cuối năm sau.

Theo báo cáo của MAUR, đến nay toàn tuyến metro số 1 đã thực hiện được gần 93% khối lượng.

Tuyến metro số 1 có 17 đoàn tàu, đều được sản xuất tại Nhật Bản, mỗi đoàn gồm 3 toa xe với chiều dài đoàn xe là 61,5m, có thể chở 930 khách (trong đó 147 khách ngồi và 783 khách đứng), tốc độ thiết kế 110km/h (đoạn trên cao), 80km/h (đoạn hầm).

Toàn bộ 17 đoàn tàu thuộc gói thầu số 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) được đưa về TP.HCM hồi tháng 5.

Cuối tháng 8 năm nay, toàn bộ 17 đoàn tàu metro số 1 đã được cho chạy thử tại depot Long Bình (TP. Thủ Đức).

Dự án metro số 1 có chiều dài 19,7km từ Bến Thành đến depot Long Bình, với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

Dự án được phê duyệt vào năm 2008, được kỳ vọng là tuyến metro hiện đại đầu tiên tại TP.HCM. Thế nhưng, đến năm 2022 – tức qua 14 năm thực hiện vẫn chưa xong, dự án đã đội vốn quá lớn từ 7.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng (gấp gần 6 lần).

Đức Minh