Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ nâng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 310.000 đồng/tháng sau hơn 2 năm trì hoãn. Nếu Quốc hội thông qua đề xuất này, thời gian thay đổi mức lương được cho là từ ngày 1/7/2023. Tình trạng giáo viên, nhân viên y tế bệnh viện công nghỉ việc thời gian qua một phần do mức lương thấp trong bối cảnh vật giá leo thang.

mức lương giáo viên lương cơ sở trường học học sinh miền núi giáo viên miền núi
Sau hơn 2 năm trì hoãn, mức lương cơ sở khu vực công dự kiến tăng thêm 310.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1/7/2023. (Ảnh: quangtri.gov.vn)

Theo đó, việc điều chỉnh mức lương như trên dự kiến diễn ra tại Phiên họp thứ 4, kỳ họp Quốc hội khoá XV sẽ diễn ra vào ngày 20/10. Mức lương cơ sở hiện tại đang được thực hiện theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 1/7/2020 là 1,49 triệu đồng/tháng.

Tại buổi tiếp xúc người dân ở TP Cần Thơ hôm 12/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã trình việc tăng lương cơ sở cho công nhân viên chức khu vực công từ 1,49 triệu đồng lên khoảng 1,8 triệu/tháng (tăng 310.000 đồng/tháng). Thời gian dự kiến thực hiện thay đổi từ ngày 1/7/2023, theo báo Chính Phủ.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ), Ngọ Duy Hiểu cho biết thực tế là thu nhập của công nhân viên chức khu vực công còn thấp, cộng thêm việc phân phối cứng nhắc, cào bằng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chuyển dịch nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư, báo Người Lao Động đưa tin.

Bên cạnh đó, tại Diễn đàn Kinh tế – Xã hội Việt Nam 2022 vừa qua, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) đề nghị xem xét ngay việc tăng lương cho công nhân viên chức để khắc phục tình trạng trên.

Chị Nguyễn Thị Hà, Giáo viên tiểu học tại Hà Nội cho biết mức lương của chị gần 4 triệu đồng/tháng, cộng với một số khoản phụ cấp, thu nhập của chị vẫn còn rất thấp. Cuộc sống của chị khá khó khăn, chật vật trong bối cảnh vật giá leo thang.

Ngoài nhóm giáo viên, lực lượng y bác sỹ bỏ việc vì lương thấp đang diễn ra trong thời gian qua. Bác sỹ Võ Hùng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nguyên cho rằng lương bác sỹ ở bệnh viện công quá thấp, đáng lẽ phải quyết định tăng lương từ lâu để nhân viên y tế đảm bảo nhu cầu cuộc sống, cũng theo báo Chính Phủ.

Theo Bộ Y tế, nhân lực y tế đang có xu hướng nghỉ việc và đang có một làn sóng mạnh mẽ chuyển dịch nhân lực y tế từ các cơ sở y tế công lập sang các cơ sở y tế tư nhân, đặc biệt là sau hơn 2 năm phòng dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).

Báo cáo của các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ cho thấy, số lượng nhân viên y tế thôi việc, bỏ việc từ ngày 1/1/2021 – 30/6/2022 trên cả nước là 9.680 người (có 3.094 bác sỹ, 2.874 điều dưỡng, 551 kỹ thuật y, 276 hộ sinh, 593 dược, 2.280 viên chức khác).

Trong số này, có 8.810 nhân viên y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.

Bộ này chỉ ra 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc nhân viên y tế xin thôi việc hoặc chuyển sang cơ sở y tế công lập.

Cụ thể, do áp lực công việc cao, nhất là từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn, phải làm việc trong môi trường nguy hiểm.

Tiếp đó, lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Bộ Y tế dẫn chứng, theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng), bác sỹ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương 3.486.000 đồng (2,34 x 1.490.000 đồng). Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp BHXH, BHYT).

Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập vì mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 – 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 – 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.

Đức Minh