Sau 2 tháng áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%, doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều khó khăn, tăng thêm chi phí, còn người tiêu dùng không rõ hiệu quả chính sách tác động thế nào đến việc tiết kiệm chi tiêu.

cac nha .ban le than kho vi thue VAT 8 giam thue VAT 2 gay kho khan cho doanh nghiep chinh sach giam thue VAT 2
Việc giảm thuế VAT 2% với mục đích kích thích kinh tế nhưng việc triển khai gây khó khăn cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Phuong D. Nguyen/Shutterstock)

Sau hơn 2 tháng áp dụng chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP, doanh nghiệp cho hay có không ít bất cập trong quá trình thực hiện, dẫn đến doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí liên quan đến hóa đơn, thay đổi phần mềm, “rối ren” trong việc kê khai thuế theo đúng quy định pháp luật,…

Theo báo Tuổi Trẻ, nhiều đơn vị bán lẻ phản ánh việc lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ có mức thuế 8% khiến chi phí sử dụng hóa đơn tăng lên nhiều. Cụ thể, khi khách hàng mua nhiều loại sản phẩm có 2 mức thuế là 10% và 8%, theo quy định, nhà bán lẻ phải xuất thành 2 hóa đơn riêng biệt. Điều này vừa làm cho chi phí đội lên và việc bảo quản chứng từ, kê khai thuế khó khăn hơn trước.

Ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH MACT Việt Nam (hoạt động lĩnh vực tư vấn thuế) cho biết Nghị định 15 bộc lộ nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện. Đầu tiên là nhiều doanh nghiệp hiện không nắm rõ mặt hàng kinh doanh có được giảm thuế VAT hay không, bên cạnh việc gặp khó khăn khi tra cứu mã ngành kinh doanh, mã HS code khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu. Thứ hai là một số trường hợp dễ gây hiểu lầm trong vấn đề áp dụng thuế suất VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp sản xuất – Tạp chí Kinh tế Việt Nam đưa tin.

Theo ông Việt, một số tình huống có thể lấy làm ví dụ như: khi xuất hoá đơn có được giảm 2% VAT không vì đầu vào mực in chịu thuế suất VAT 10%, còn giấy thì 8%; mặt hàng bia rượu khi bán thương mại phải giữ nguyên thuế VAT 10% nhưng nếu phục vụ khách trên bàn ăn lại thành dịch vụ ăn uống hưởng thuế suất 8%, v.v…

Về phía bộ phận kế toán, nhân viên phản ánh khó khăn diễn ra trong việc rà soát, đối chiếu, kiểm tra hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khi áp dụng chính sách giảm thuế VAT này. Chị Nguyễn Thị Thanh Duyên, kế toán một doanh nghiệp xây dựng cho hay nhiều mặt hàng không rõ được giảm thuế 8% hay giữ mức cũ 10%; hợp đồng ký năm 2021 trở về trước có thuế suất VAT 10% sang năm 2022 mới quyết toán có được áp dụng chính sách 8% hay không,… Đối với những doanh nghiệp có hàng nghìn mặt hàng, việc tra cứu phụ lục của Nghị định 15 không khác gì lạc vào “ma trận”.

Đại diện (không nêu danh tính) của siêu thị Coopmart cho biết một ngày hệ thống tính tiền sử dụng hơn 10.000 hóa đơn bán lẻ, nếu tách ra hóa đơn 8% và 10% sẽ khiến chi phí tăng lên rất nhiều. Còn Công ty cấp nước thu tiền nước tại Hải Phòng phản ánh hóa đơn gồm 2 khoản thu: tiền nước thuế suất 5% và khoản thu hộ tiền dịch vụ thoát nước cho thành phố với thuế suất 10%. Bình quân mỗi tháng công ty xuất 400.000 hóa đơn, nay số hóa đơn tăng gấp đôi lên 800.000 hóa đơn, theo báo Tiền Phong.

Còn về phía người tiêu dùng, chị Kim Phượng (Quận Gò Vấp, TP.HCM) cho hay trong hóa đơn mua hàng ở siêu thị Emart với số tiền 466.000 đồng, chị không được biết số tiền đã tiết kiệm được là bao nhiêu sau khi áp dụng thuế VAT 8% vì cuối hóa đơn chỉ ghi chú “Giá đã bao gồm thuế VAT”. Nhân viên siêu thị phản hồi chị Phượng với lý do mặt hàng quá nhiều, hệ thống tính tiền tự động nên không biết thuế mỗi mặt hàng là bao nhiêu.

Trước những vấn đề bất cập trên, Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) đề xuất để doanh nghiệp lập chung hóa đơn cho hai loại mặt hàng (được giảm thuế và không giảm thuế). Sau đó, doanh nghiệp sẽ lập hóa đơn điều chỉnh cho hàng hóa giảm thuế, theo báo Tiền Phong.

Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) đề nghị phía cơ quan Thuế của Việt Nam xem xét thay đổi hình thức hóa đơn có thể áp dụng nhiều mức thuế VAT trên cùng một hóa đơn, nhằm giảm các thủ tục, không ảnh hưởng đến chi phí, số thuế doanh nghiệp phải nộp.

Đức Minh