6 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương đã được bàn giao về Ủy ban quản lý vốn nhà nước, với tổng vốn 550.000 tỷ đồng.

uy ban quan ly von nha nuoc
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) – công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). (Ảnh: pvn.vn)

Sáng 10/11, Bộ Công Thương đã ký biên bản bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ bộ về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban).

6 tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương được chuyển về Ủy ban gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).

Theo Bộ Công thương, đây đều là những doanh nghiệp có vốn hóa cao, trong lĩnh vực và có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế và đóng góp cho ngân sách nhà nước như: điện, than, dầu khí, xăng dầu, thuốc lá, hóa chất.

Tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại 6 doanh nghiệp này là trên 555.000 tỷ đồng, bằng 1/2 tổng số vốn nhà nước mà Ủy ban nắm giữ trên tổng 19 doanh nghiệp chuyển về Ủy ban.

Việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ra khỏi các cơ quan quản lý hành chính nhà nước là cần thiết để kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, cũng như tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước tập trung năng lực vào thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước” – Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết tại lễ bàn giao.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết các doanh nghiệp được chuyển giao về Ủy ban vẫn sẽ tiếp tục chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, đề nghị hai đơn vị phối hợp để hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty đạt hiệu quả theo phương án tái cơ cấu, cổ phần hóa Chính phủ đã phê duyệt.

Theo Nghị định 131 của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (gọi tắt là Ủy ban) là đại diện chủ sở hữu của 19 doanh nghiệp. Trong đó, 18 DN là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, sẽ chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước từ các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Thông tin & Truyền thông và Giao thông & Vận tải sang quyền đại diện chủ sở hữu của Ủy ban.

19 tập đoàn thuộc quản lý của Ủy ban có tổng tài sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng giá trị vốn chủ sở hữu Nhà nước.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là cơ quan thuộc Chính phủ, do ông Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 – 2020, giữ chức Chủ tịch.

Nguyễn Quân

Xem thêm: