Đối với các dự án điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng cho phép chủ đầu tư không phải lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, mà chỉ cần đưa ra trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, mặc dù đây là dự án nhóm A.

Đây chỉ là một trong 6 “cơ chế đặc thù” cho ngành điện do Bộ Công thương đang kiến nghị Quốc hội.

du an dien
Một kỹ thuật viên trên cột điện 500kv tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa. (Ảnh minh họa: PhamHai/Shutterstock)

Rút ngắn cơ chế cấp phép, dự án được vay ưu đãi hoặc được bảo lãnh về vốn 

Sáng 7/9, trong phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương kiến nghị Quốc hội ban hành gồm 6 cơ chế đặc biệt cho ngành điện.

Thứ nhất, hiện thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng là UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở của đơn vị thực hiện dự án hoặc nơi có dự án lưới điện truyền tải đi qua. Bộ Công thương nói quy định này gây khó khăn cho quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường dây truyền tải điện đi qua nhiều tỉnh/thành.

Bộ Công thương đề xuất Thủ tướng có quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư.

Thứ hai, đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ kiến nghị chủ đầu tư không phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.

Thứ ba, cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện.

Thứ tư, đối với các dự án điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cho phép chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường). Việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Thứ năm, cho phép các dự án điện thuộc trường hợp là công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp hoặc các công trình điện xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện chỉ phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ mà không phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Thứ sáu, xem xét ủy quyền cho các bộ quản lý ngành một số nội dung công việc trong quá trình triển khai xây dựng và điều chỉnh các quy hoạch ngành.

Phải thêm các cơ chế đặc thù vì dự án chậm tiến độ, nguồn điện phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu?

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện 7) được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 7/2011, tới năm 2016 tiếp tục điều chỉnh.

Sau 9 năm thực hiện quy hoạch, Bộ Công thương đưa ra báo cáo tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2020- 2025, ông Tuấn Anh nói.

Bộ Công Thương cho biết theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo).

Sau 4 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện như: các dự án Điện hạt nhân tại Ninh Thuận (4.600MW); các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Long An, Tiền Giang. Còn nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận…

Nhiều dự án điện BOT bị chậm tiến độ do thời gian chuẩn bị đầu tư, đàm phán bộ hợp đồng BOT kéo dài, như Vân Phong I, Vĩnh Tân III, Nghi Sơn II, Vũng Áng II, Nam Định I…

Tuy nhiên, báo cáo không nói rõ nguyên nhân khiến các dự án đã đưa vào quy hoạch trên thực tế lại không thực hiện được hoặc bị chậm tiến độ, do yếu tố khách quan hay do nguyên nhân chủ quan từ dự án.

Từ năm 2016-2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện bình quân chỉ đạt 8%/năm; trong đó, giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/năm).

Tình trạng này được giải thích là thủy điện đã khai thác hầu hết tiềm năng kinh tế còn nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong xây dựng. Tuy nhiên, năm 2015, Bộ Công thương vẫn trình và được Thủ tướng phê duyệt Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015, trong đó có nhấn mạnh vào việc phát triển thủy điện, với mục tiêu tăng điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện từ khoảng 56 tỷ kWh năm 2015 lên gần 90 tỷ kWh vào năm 2020; khoảng 96 tỷ kWh từ năm 2030.

Còn nhiệt điện than thì chiếm tỷ trọng lớn trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (đến năm 2030, dự kiến sẽ có hơn 70 nhà máy nhiệt điện than toàn quốc. Dự kiến giai đoạn 2018-2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, nhiệt điện than chiếm tổng công suất 26.000 MW). Song, trong báo cáo mới nhất, ông Tuấn Anh thừa nhận việc phát điện ngày càng phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Ngoài phải nhập khẩu than, tới đây Việt Nam sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030…. Thực tế, bất cập này vốn đã được cảnh báo từ nhiều năm trước.

Bộ Công thương nói về khó khăn đầu tư do nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỷ USD mỗi năm. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính, khó huy động vốn, còn doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài được yêu cầu phải có bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ… Tuy nhiên, Bộ này lại không nhắc tới các khoản đầu tư quốc tế thất thoát hàng tỷ USD của các tập đoàn nhà nước, còn các doanh nghiệp ngành điện có tổng vốn vay do Chính phủ bảo lãnh lớn nhất, 17,3 tỷ USD (lũy kế đến ngày 31/12/2018), tập trung chủ yếu vào các tập đoàn như EVN, PVN, TKV…

Nguyễn Minh

Xem thêm: