Lãnh đạo Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) khẳng định “không thao túng giá vàng” và hoàn toàn không được hưởng lợi khi giá vàng miếng thương hiệu SJC đắt hơn nhiều so với giá vàng thế giới.

vàng SJC lãnh dạo SJC không thao túng giá vàng Nghị dịnh 24
Lãnh đạo Công ty SJC cho biết có nhiều thời điểm vàng miếng SJC được nấu để sản xuất vàng nữ trang và xuất khẩu. (Ảnh minh họa: Humphery/Shutterstock)

Tại buổi họp giữa các công ty kinh doanh vàng và Ngân hàng nhà nước (NHNN) hôm 28/7, lần đầu tiên trong nhiều năm, bà Lê Thúy Hằng – Tổng giám đốc Công ty SJC cho biết “vấn đề chênh lệch giá vàng thì Công ty SJC hoàn toàn không có lợi”.

Trong 10 năm qua, Công ty SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực và NHNN lựa chọn SJC là thương hiệu vàng quốc gia.

Bên cạnh đó, bà Hằng khẳng định Công ty SJC không phải người thao túng hay làm giá, tất cả là do cung – cầu của thị trường quyết định.

Thời gian qua, giá trong nước (cụ thể là vàng miếng SJC) vẫn luôn cao hơn thế giới, có thời điểm chênh lệch lên tới 20 triệu đồng mỗi lượng. Hiện tượng giá vàng miếng SJC ngày càng “vênh” so với thế giới khiến nhiều đại biểu Quốc hội, người dân thắc mắc và đặt ra nhiều nghi vấn về việc có bàn tay thao túng phía sau.

Bà Hằng cho biết để xác định giá mua – bán, các đơn vị kinh doanh vàng lấy tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung – cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường,

Ngoài ra, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang.

Đáng chú ý, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.

Nếu thời gian tới cho các thương hiệu khác cùng dập vàng miếng thì cũng là một điều tốt. Công ty nào uy tín, chất lượng thì được thị trường và người dân lựa chọn, bà Hằng nhận định.

Theo ước tính của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), số lượng vàng miếng SJC lưu thông trên thị trường trong chục năm nay duy trì ở mức 20 triệu lượng.

Ý kiến xoay quanh việc phá bỏ sự độc quyền “thương hiệu SJC”

TS Ngô Trí Long cho biết Nghị định 24 được ban hành nhằm mục đích chống vàng hóa nền kinh tế và ổn định giá vàng, phát triển thị trường vàng trong nước theo hướng liên thông với thị trường vàng quốc tế. Hiện mục tiêu chống vàng hóa đã đạt được nhưng mục tiêu ổn định giá vàng không đạt được và giá vàng lại quá cao so với thế giới, trang RFA tiếng Việt đưa tin.

Ông Long nói trên RFA: “Chính vì sự độc quyền như thế làm cho giá vàng trong nước tăng cao so với giá vàng thế giới. Hôm nay (hôm 19/7) là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam giá vàng giảm 5 triệu đồng/lượng trong ngày vì người mua có tâm lý nhà nước chuẩn bị sửa Nghị định 24”.

Phát biểu kết luận buổi họp trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết vấn đề chênh lệch giá vàng các cơ quan quản lý đã có thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp khi được phản ánh trên báo chí, truyền thông.

Bà Hồng nhận định Nghị định 24 vẫn đem lại sự ổn định thị trường vàng và góp phần hỗ trợ NHNN ổn định thị trường ngoại hối hơn 10 năm qua.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN phải kiểm soát việc sản xuất, cung ứng vàng miếng là do có những giai đoạn người dân có xu hướng đầu cơ vào vàng miếng. Do vậy, Nghị định 24 đã làm giảm bớt tình trạng đầu cơ vàng miếng này.

Về việc nhiều ý kiến chuyên gia đề nghị sửa đổi Nghị định 24, bà Hồng cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng, xem xét kỹ các ý kiến, cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và có sự động thuận trong xã hội.

Đức Minh