Theo thư gửi Chính phủ Việt Nam, 36 nhà đầu tư lên tiếng kiến nghị về những bất cập đang diễn ra đối với 34 nhà máy điện tái tạo (gió, mặt trời) đã hoàn thành nhưng chưa được phát điện. Nguyên nhân chính là vì chưa có cơ chế giá phát điện để bán cho Tập đoàn Điện lực (EVN). Trong đó tính đến nay, 6 nhà máy điện mặt trời phải “nằm chờ” đến 26 tháng.

dien mat troi mai nha dien luc ngung mua dien EVN tap doan EVN ngung mua dien mat troi mai nha
Dù đã hoàn thành nhưng 34 nhà máy điện tái tạo chờ gần 2 năm vẫn chưa được phát điện. (Ảnh minh họa: hanoi.gov.vn)

Cụ thể, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, 36 nhà đầu tư có các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị về việc khắc phục những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, theo Tuổi Trẻ.

Hiện nay có 34 nhà máy (bao gồm 28 nhà máy điện gió và 6 nhà máy điện mặt trời), với tổng công suất phát điện 2.090 MW, đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy, vượt qua giai đoạn thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện lên lưới, nhưng các nhà đầu tư phải nằm chờ “cơ chế giá phát điện” – cơ sở để nhà đầu tư các nhà máy và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thỏa thuận giá mua bán điện.

Các nhà đầu tư dự án cho biết tính đến thời điểm hiện tại, 6 nhà máy điện mặt trời đã nằm chờ cơ chế hơn 26 tháng, và 28 nhà máy điện gió phải nằm chờ khoảng 16 tháng.

Tổng vốn đầu tư 34 dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không bán được điện lên hệ thống điện quốc gia theo tính toán của các nhà đầu tư lên tới khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó có 58.000 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng.

Vì vậy, các nhà đầu tư dự án cho biết đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ phương án tài chính dự án, nợ xấu doanh nghiệp gia tăng, ngân hàng khó thu hồi vốn.

Các chính sách áp dụng cho các dự án chuyển tiếp gần đây đã được Bộ Công thương ban hành, với các văn bản như: Thông tư 15, Quyết định 21, Thông tư 01.

Tuy vậy, các quy định tại Quyết định 21 và Thông tư 01 đã khiến nhà đầu tư lo lắng do các điểm bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính, làm nhà đầu tư có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản, theo tờ Tuổi Trẻ Thủ Đô.

Do vậy, nhóm nhà đầu tư này kiến nghị thực hiện thuê đơn vị tư vấn độc lập tính khung giá phát điện và tuân thủ các yêu cầu tham vấn từ hội đồng tư vấn, Bộ Tài chính nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch; tính toán khung giá điện dựa theo mức IRR (tỉ suất lợi nhuận sau thuế cho nhà đầu tư) là 12% – theo Thông tư 15 được Bộ Công thương ban hành ngày 3/10/2022.

Đối với hợp đồng mua bán điện, các nhà đầu tư 34 dự án điện gió, điện mặt trời cũng kiến nghị cần giữ lại chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo đã được Chính phủ Việt Nam ban hành, ví dụ như: Thời hạn áp dụng giá mua điện cho dự án chuyển tiếp là 20 năm; cho phép chuyển đổi giá sang tiền USD và được điều chỉnh theo biến động tỉ giá VND/USD, hoặc có quy định về tỉ lệ trượt giá trong phát điện; và quy định trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện tái tạo.

Trọng Minh