Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước sẽ ra mắt vào chiều nay (30/9) với tổng tài sản quản lý khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn Nhà nước.

petrolimex
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nằm trong số 19 doanh nghiệp do “siêu Ủy ban” trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu. (Ảnh: Khánh Minh)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Ủy ban). Nghị định có hiệu lực từ ngày 29/9/2018.

Ủy ban có Chủ tịch và không quá 4 Phó Chủ tịch. Chủ tịch và Phó Chủ tịch do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.

Ủy ban gồm 9 vụ, trung tâm: Vụ Nông nghiệp; Vụ Công nghiệp; Vụ Năng lượng; Vụ Công nghệ và hạ tầng; Vụ Tổng hợp; Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Trung tâm thông tin.

Trong số 19 doanh nghiệp do “siêu Ủy ban” đại diện chủ sở hữu, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là 1 trong 19 đơn vị và sẽ đầu tư kinh doanh vốn tại các doanh nghiệp nhà nước không thuộc 18 doanh nghiệp còn lại.

18 doanh nghiệp còn lại là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài, đang thuộc quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Thông tin & Truyền thông và Giao thông & Vận tải.

Trong số đó, có 7 tập đoàn lớn:

  • Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)
  • Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem)
  • Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
  • Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)
  • Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG)
  • Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV)
  • Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

11 tổng công ty còn lại gồm:

  • Tổng công ty Viễn thông MobiFone
  • Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam
  • Tổng công ty Hàng không Việt Nam
  • Tổng công ty Hàng hải Việt Nam
  • Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
  • Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam
  • Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam
  • Tổng công ty Lương thực miền Nam
  • Tổng công ty lương thực miền Bắc
  • Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam

Tổng tài sản quản lý của Ủy ban khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban theo chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định.

Ngoài ra, với các doanh nghiệp do “siêu Ủy ban” làm đại diện chủ sở hữu, cơ quan này có quyền quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập); thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được lập từ tháng 2, do ông Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 – 2020, giữ chức Chủ tịch. Uỷ ban này là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Quân

Xem thêm: