Tại buổi tọa đàm hôm 6/3, Giám đốc điều hành nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu (cây xăng) tiếp tục phản ánh sự việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng trên diện rộng trong năm vừa qua đến nay là do cơ chế điều hành thị trường xăng dầu có vấn đề lớn. Trong đó, doanh nghiệp đầu mối đang có đặc quyền để đầu cơ thị trường, thao túng chiết khấu.

het xang con dau cay xang dong cua
Một cây xăng đóng cửa, đặt bảng “hết xăng, còn dầu”, lúc 7h tối ngày 10/10, tại quận Gò Vấp, TP.HCM. (Ảnh: CTV / Trí Thức VN)

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết hôm 6/3, “Lúc đầu chúng tôi nghĩ sự đứt gãy này chỉ là ngắn hạn, nhưng giờ đã kéo dài hơn một năm”. Do đó, nhiều đơn vị bán lẻ đã suy kiệt tài chính và bán tài sản để cầm cự kinh doanh, báo Vnexpress đưa tin.

Việc điều hành xăng dầu theo mệnh lệnh hành chính, thua lỗ liên tục cũng phải bán là “bức tử” các doanh nghiệp bán lẻ.

Hơn một năm gánh lỗ để duy trì kinh doanh, bà Nguyễn Thị Rim, Giám đốc Công ty TNHH Giang Chấn Hưng (Trà Vinh) cho biết các doanh nghiệp bán lẻ có được bù lỗ hay không khi ước tính con số này lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

“Dựa vào đâu để buộc doanh nghiệp bán lẻ phải hy sinh, trong khi doanh nghiệp Nhà nước lại được cân đối bù lỗ”, bà Rim bức xúc nói.

Còn ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bảo Dương (TP.HCM) nêu: “Vì thua lỗ nên doanh nghiệp bán lẻ không còn tiền trả lương cho người lao động thì có vi phạm pháp luật hay không?”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Tiếp tục đặt vấn đề, ông Báu hỏi đại diện Bộ Công thương: Doanh nghiệp bán lẻ “làm thuê” cho nhà cung cấp (thương nhân đầu mối) mà không được nhận thù lao, phải bỏ tiền túi ra trả lương người lao động thì Bộ trưởng có giải pháp nào? Nhà cung cấp không trả chi phí cho nhà bán lẻ có vi phạm không?

“Nếu là Bộ trưởng mà đi kinh doanh xăng dầu như vậy thì Bộ trưởng sẽ làm gì?”, ông Báu đưa ra câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Công thương.

Cho rằng thị trường đang có sự độc quyền, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát, chỉ ra đang có sự thiếu công bằng trong thù lao, chiết khấu xăng dầu.

“Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối không trả phần chi phí, bao gồm lợi nhuận định mức, mà sử dụng mức chiết khấu này để cạnh tranh với bán lẻ xăng dầu là sự thiếu công bằng.”

TS Nguyễn Đình Cung cho biết: “Lỗi, trách nhiệm ở đây là quản lý Nhà nước”, cách thức quản lý và điều hành lạc hậu. Hệ quả là các doanh nghiệp trong hệ thống thua lỗ hơn một năm qua, cũng theo Vnexpress.

Còn TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế cho biết Việt Nam chưa có thị trường bởi cơ quan Nhà nước can thiệp quá sâu trong kinh doanh xăng dầu.

Liên quan tới chiết khấu trong khâu bán lẻ, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thừa nhận, thời gian qua mức này thấp không đủ chi phí vận hành, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài sửa cơ chế điều hành giảm bớt can thiệp của cơ quan Nhà nước, theo các chuyên gia nên giao về một đầu mối quản lý giá xăng dầu là Bộ Công thương.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng muốn giao quyền điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công thương và chỉ phối hợp khi cần thiết. Tuy vậy, vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ khi Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng nên giữ cách làm như cũ hoặc giao hết quyền cho Bộ Tài chính.

Đức Minh