Phố Wall có một ngày giao dịch đầu tuần tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 do lo sợ dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) lan rộng cộng với sự sụp đổ của thỏa thuận dầu khí giữa OPEC và Nga có nguy cơ khơi mào cuộc chiến giá dầu.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, sau tiếng chuông mở cửa sàn giao dịch hôm 9/3, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm trầm trọng và khiến các sàn phải tạm tự động dừng giao dịch trong 15 phút, cơ chế được cơ quan tài chính Hoa Kỳ thiết lập kể từ Ngày thứ Hai Đen 1987, khi thị trường chứng khoán sụp đổ.

Các chỉ số chính ở Phố Wall đã giảm 7% và Dow Jones giảm 2.000 điểm, mức giảm lớn nhất trong ngày từ trước đến nay. Dow đã giảm tới 20% so với đỉnh cao nhất của mình và chỉ còn cách trạng thái thị trường gấu (thị trường trượt dốc thời gian dài) 0,1 điểm phần trăm.

S&P 500 cũng giảm khoảng 19% so với đỉnh cao nhất của mình vào ngày 19/2.

“Hôm nay chắc chắn là một ngày để ghi vào lịch sử”, Matthew Keator, thành viên điều hành hãng quản lý tài sản Keator Group tại Massachusetts. “Thị trường đang định giá khả năng suy thoái cao”.

Chỉ số Biến động CBOE, thước đo sự lo lắng của nhà đầu tư đã chạm đến mức cao nhất kể từ tháng 12/2018, theo Reuters.

“Có rất nhiều nỗi lo trong thị trường và nếu giá dầu tiếp tục giảm, đó sẽ là một chỉ dấu cho thấy suy thoái toàn cầu không còn xa nữa”, Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng tại công ty chứng khoán Spartan Capital tại New York nói.

Nhà đầu tư đổ dồn vào tài sản đảm bảo khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất là 0,318%.

Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ bắt đầu cơn bán tháo cuồng loạn sau khi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu giữa OPEC và Nga sụp đổ, mở ra cuộc chiến tăng sản lượng và giảm giá dầu trong bối cảnh nhu cầu của thế giới thì suy yếu do dịch virus corona mới lan rộng và hoạt động kinh tế suy giảm.

Dầu thô ghi nhận một ngày tồi tệ nhất kể từ Chiến trang vùng Vịnh 1991, giá dầu thô Brent hợp đồng tương lai đóng phiên giảm 23,88% và giá dầu Tháng giao ngay (WTI) giảm 25,1%. Cổ phiếu các công ty dầu mỏ Chevron và Exxon Mobil giảm hơn 9%. Chỉ số năng lượng .SPNY giảm 20,1%, lượng giảm lớn nhất trong một ngày từng được nghi nhận.

Trước tin xấu về dầu khí, các thị trường chứng khoán toàn cầu, bao gồm cả Mỹ đã điêu đứng vì dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát, khiến nhiều lãnh thổ, thành phố phải phong tỏa, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và ảnh hưởng trầm trọng đến nhiều ngành kinh doanh như du lịch, khách sạn nhà hàng, hàng không, sản xuất và giáo dục.

Tại Mỹ, tính đến thời điểm này đã có hơn 600 ca nhiễm COVID-19, 26 người tử vong do nhiễm chủng virus này.

Kết thúc phiên thứ Hai, chỉ số Công nghiệp trung bình Dow Jones giảm 2.013,76 điểm, hay 7,79%, xuống còn 23.851.02 điểm. S&P 500 mất 225,81 điểm, hay 7,6% xuống còn 2.746,5 điểm và chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm 624,94 điểm, hay 7,29%, xuống còn 7.950,68 điểm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách giảm nhẹ sự lo lắng của công chúng về dịch bệnh COVID-19. Ông gặp Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và các quan chức kinh tế khác vào ngày 9/3 để cân nhắc các hành động nhằm ngăn chặn hậu quả từ sự bùng phát virus corona, theo Reuters.

Năm ngoái 37.000 người Mỹ đã chết vì cúm mùa. Con số này trung bình là từ 27.000 đến 70.000 mỗi năm. Không có gì phải đóng cửa, cuộc sống và kinh tế tiếp tục bình thường. Ở thời điểm này, có 546 ca nhiễm virus corona đã xác nhận ở Mỹ, với 22 ca tử vong. Hãy nghĩ về điều đó!” ông Trump viết trên Twitter.

Đức Trí

Xem thêm: