Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả – Bộ Tài chính) nhận định việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa, có thể tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người…

san bay noi bai 1
Hành khách trước quầy vé tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), tháng 11/2017. (Ảnh minh họa: Gracethang2/Shutterstock)

Thông tin trên được Văn phòng Chính phủ đề cập tại văn bản ban hành ngày 26/10, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GTVT cân nhắc ý kiến chuyên gia về việc ngừng chủ trương áp giá sàn vé máy bay.

Theo thông tin công bố, ngày 3/10, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ, nhận định việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa.

Ông Long cho hay việc này cũng đi ngược với xu hướng hàng không thế giới, đặc biệt là của hàng không giá rẻ, vi phạm các Hiệp định, điều ước Quốc tế về không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), gây khó khăn trong việc Mỹ và các nước Châu công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Mặt khác, theo ông Long, việc áp giá sàn vé máy bay nội địa có thể gây hệ luỵ rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, du lịch, gây khó khăn cho công nhân trong quay lại làm việc và có thể tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người.

Ông Long nhấn mạnh trong giai đoạn khó khăn này càng cần duy trì mô hình vé máy bay giá rẻ để hỗ trợ người thu nhập thấp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Trên cơ sở đó, chuyên gia kinh tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho ngừng chủ trương áp giá sàn.

Trong thư, ông Long cho hay gần 1 tháng qua, kể từ khi Bộ GTVT công bố dự thảo sàn vé máy bay, báo chí, dư luận, doanh nghiệp và giới nghiên cứu đã liên tục phản ánh, phản đối giá sàn.

Trên thị trường hàng không nội địa hiện nay, có 6 hãng máy bay đang không hoạt động, trong đó hãng Vietnam Airlines chiếm khoảng 35% thị phần, VietJet Air chiếm 36%, Bamboo Airways chiếm khoảng 13%. Như vậy, theo Luật Giá, trên thị trường hàng không nội địa vẫn có những doanh nghiệp đang nắm giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Đối với các doanh nghiệp bán hàng hoá, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì nhà nước quy định giá trần (giá tối đa). Còn đối với những doanh nghiệp mua hàng hoá, dịch vụ giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì áp giá sàn (giá tối thiểu). Trường hợp vé máy bay của các doanh nghiệp thuộc bán diện bán hàng hoá, dịch vụ nên không thể áp giá sàn, theo ông Long.

Với ngành hàng không Việt Nam, giá sàn sẽ tạo lợi thế cho hãng hàng không làm ăn kém hiệu quả, gây khó khăn cho hãng khác, làm giảm nguồn thu của các DN trong hệ sinh thái hàng không, đặc biệt là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay, ông Long nói thêm.

Mô hình hàng không giá rẻ đã chiếm 50% thị phần vận chuyển hành khách hàng không thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, thị phần hàng không giá rẻ chiếm 65% thị phần. Phần lớn người dân trong nước thu nhập còn thấp, và đã quen sử dụng vé máy bay giá rẻ vì vé giá rẻ phù hợp với hầu hết tài chính của người dân. Nếu áp giá sàn sẽ làm mặt bằng vé máy bay tăng cao, sẽ làm mất đi bao thành quả tốt đẹp của ngành hàng không, của Bộ GTVT, của Chính phủ đã gây dựng hàng chục năm qua, vị chuyên gia đề cập trong thư.

Ngày 26/10, Văn phòng Chính phủ đã phản hồi thư của chuyên gia Ngô Trí Long, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu đề nghị trên của ông Long để xem xét, xử lý và trả lời cho ông Long.

Khoảng hai tháng trước, ngày 24/8, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá quý 2/2021, giao Bộ GTVT quy định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa cho phù hợp giá với pháp luật về hàng không, pháp luật về giá nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích người tiêu dùng, đơn vị cung ứng dịch vụ và quyền lợi nhà nước.

Đến ngày 31/8, Cục hàng không Việt Nam trình Bộ GTVT dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, dự kiến áp dụng trong 1 năm, từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.

Theo dự thảo, Cục này đề xuất giá sàn vé máy bay nội địa bằng 20% mức giá trần hiện tại. Tùy khoảng cách đường bay, giá sàn được đề xuất từ 320.000 – 750.000 đồng/vé một chiều.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, mức quy định trên nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng; các hãng hàng không và Nhà nước (với tư cách là cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines). (Vietnam Airlines hồi tháng 7/2021 kiến nghị mức giá sàn bằng 44% mức giá tối đa, áp dụng trong 3 năm).

Khoảng cách đường bayGiá trần hiện tại (đồng/vé 1 chiều)Giá sàn Cục HKVN đề xuất (đồng/vé 1 chiều)Giá sàn Vietnam Airlines đề xuất

(đồng/vé 1 chiều)

Dưới 500km
– Nhóm phát triển KT-XH1.600.000320.000704.000
– Nhóm đường bay khác1.700.000340.000748.000
500km đến dưới 850km2.200.000440.000968.000
850km đến dưới 1.000km2.790.000558.0001.227.000
1000km đến dưới 1.280km3.200.000640.0001.408.000
Trên 1.280km3.750.000750.0001.640.000

Phương Anh

Xem thêm:

Từ 21/10: Đường bay HN-TP.HCM tăng lên 6 chuyến/ngày, bỏ điều kiện tiêm vắc-xin COVID-19