Các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế dự báo biến thể mới Omicron có thể làm tổn hại đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đẩy lạm phát lên cao. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell cũng cho rằng nếu đại dịch kéo dài, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng lớn.

shutterstock 1656925219
Thành phố Milan vắng vẻ trong dịch corona (Ảnh: Shutterstock)

Fitch Ratings và Moody’s cảnh báo rằng Omicron có thể gây hại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Theo báo cáo của Reuters, Phó Giám đốc điều hành Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s, bà Elena Duggar đã chỉ ra rằng biến thể Omicron gây ra rủi ro cho tăng trưởng và lạm phát toàn cầu, đặc biệt là khi nó xuất hiện trong thời kỳ chuỗi cung ứng bị thắt chặt, lạm phát tăng cao và thị trường lao động thiếu hụt.

Bà Duggar cho biết, sắp đến mùa du lịch và tiêu dùng, chủng biến thể mới cũng có thể đánh vào các nhu cầu. Nếu biến thể mới gây rủi ro lớn đến thị trường toàn cầu, nó sẽ gây thêm áp lực tài chính lên các công ty phát hành trái phiếu có nhu cầu tài chính lớn. Ví dụ như các quốc gia thị trường mới nổi phụ thuộc vào vay mượn tài chính quốc tế có thể đối mặt với rủi ro cao là không được tiếp tục vay.

Cơ quan Fitch Ratings lại tin rằng còn quá sớm để đưa tác động của Omicron vào dự báo tăng trưởng kinh tế trước khi hiểu rõ hơn về khả năng lây nhiễm của virus biến thể mới này và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng sau khi bị lây nhiễm.

Cơ quan này cho rằng khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế quy mô lớn và đồng bộ trên toàn cầu giống như đợt bùng phát vào nửa đầu năm 2020 là cực kỳ thấp. Tuy nhiên, lạm phát tăng cao sẽ khiến kinh tế vĩ mô ngày càng phức tạp.

Khi Omicron lan rộng ra bên ngoài Nam Phi, nhiều quốc gia đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa biên giới một lần nữa, phủ bóng đen lên sự phục hồi kinh tế kể từ sau đại dịch kéo dài hai năm qua. Theo các nguồn tin trong ngành, do lo ngại rằng sự lan rộng của biến thể mới sẽ dẫn đến việc thắt chặt các hạn chế ở nhiều nơi, các hãng hàng không lớn đã nhanh chóng hành động để bảo vệ trung tâm vận tải bằng cách hạn chế du khách đến từ Nam Phi.

Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Nam Phi cho biết, chủng biến thể Omicron có vẻ dễ lây lan hơn nhưng vẫn còn quá sớm để xác định liệu biến thể này có gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn hay không.

Bà Duggar của Moody’s chỉ ra rằng dựa trên kinh nghiệm trước đây với các biến thể virus, ngay cả khi các quy định hạn chế về du lịch quốc tế hiện đã được ban hành, vẫn có thể khó ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Bà nói rằng nếu Omicron dẫn đến một làn sóng lây nhiễm khác, các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là những nền kinh tế có tỷ lệ tiêm chủng thấp, phụ thuộc nhiều vào du lịch và không thể cung cấp chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với một làn sóng lây nhiễm mới.

Chủ tịch FED Powell: Omicron mang đến 3 cuộc khủng hoảng kinh tế lớn

jerome powell
Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED (Ảnh: marketwatch)

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell đã chuẩn bị một số tài liệu cho buổi điều trần của Ủy ban Nhà ở và Ngân hàng Thượng viện vào ngày 30/11. Trong đó, ông chỉ ra rằng virus biến thể Omicron đe dọa sự phục hồi kinh tế Hoa Kỳ. Nếu đại dịch kéo dài, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng lớn: giá cả tăng cao, làm tổn hại đến tăng trưởng việc làm và thậm chí nghiêm trọng hơn là khủng hoảng chuỗi cung ứng.

Ông Powell viết trong bản trình bày dự kiến của mình: “Sự gia tăng gần đây của số lượng các ca nhiễm COVID-19 và sự xuất hiện của biến thể Omicron đã gây ra rủi ro khiến việc làm và hoạt động kinh tế giảm sút, đồng thời gia tăng sự không chắc chắn đối với lạm phát”.

Ông Powell đưa ra một ví dụ, khi chủng biến thể Delta lây lan khắp thế giới, nền kinh tế đã phải hứng chịu một đòn nặng nề vào mùa hè này. Nhiều người Mỹ sợ đi du lịch, mua sắm, ăn uống trong nhà hàng và làm việc trong văn phòng, điều này cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động và khủng hoảng chuỗi cung ứng đang cản trở nền kinh tế Mỹ.

Vào ngày 26/11, sau khi biết về biến thể có khả năng lây lan cao Omicron, Phố Wall đã bán tháo cổ phiếu, giá dầu cũng bị sụt giảm. Tuy nhiên, sau khi các nhà đầu tư thở phào nhẹ nhõm và mua vào với mức thấp, thị trường đã phục hồi vào ngày 29/11.

Trước đây, khi lần đầu tiên nghe tin về virus biến thể Delta, cổ phiếu của Phố Wall cũng đã bị bán tháo, nhưng khi sự sẵn có của vắc-xin trở nên phổ biến và các quan chức y tế học cách quản lý đại dịch, cổ phiếu đã nhanh chóng phục hồi và tăng lên mức kỷ lục mới.

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: