Chủ tịch Hsieh Chin-ho của WEALTH MAGAZINE Đài Loan trong bài đăng trên Facebook “Ếch luộc trong nước ấm: Thời kỳ thu hẹp tài sản” cho biết, tài sản 100 người giàu nhất thế giới bị mất ít nhất 1000 tỷ USD; trừ USD, tất cả đều cuốn vào chu kỳ suy thoái.

Untitled 1 copy 1
Chủ tịch Hsieh Chin-ho của WEALTH MAGAZINE Đài Loan. (Nguồn: CNA)

Hôm 19/5, ông Hsieh Chin-ho cho biết để chống lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có thêm động thái tăng lãi suất, những kỳ vọng tăng lãi suất mạnh tiếp theo của thị trường đã khiến từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thậm chí cả nguyên liệu thô đến tiền ảo đều lâm cảnh đổ vỡ.

Theo thống kê tính đến cuối tháng Tư, giá trị thị trường chứng khoán toàn cầu đã bốc hơi 15.600 tỷ USD, thị trường trái phiếu mất 17.000 tỷ USD. Ông Hsieh Chin-ho nói rằng giá trị thị trường của tiền ảo vốn ban đầu tạo ra 7.000 tỷ USD nhưng hiện đã bị giảm ít nhất một nửa, ông nói “thực trạng co rút tài sản này là cú đánh cần thiết để lạm phát hạ nhiệt”.

Trước đó vào ngày 12/5, ông đã đăng trên Facebook bài “Giai đoạn lạm phát khiến mọi tài sản sụt giảm giá trị”, bài viết đề cập đến việc Fed mới nhích lãi xuất mà thị trường đã lộ diện những gì tồi tệ nhất, sự sụt giảm này là khúc dạo đầu để hạ nhiệt lạm phát. Xu thế này cộng thêm sức tiêu dùng suy yếu khiến nền kinh tế đảo chiều đi xuống, đây là liều thuốc cần thiết để chữa bệnh lạm phát. Từ giãn nở vì nhiệt, chuyển sang co lạnh là chu trình tất yếu giống như các mùa xuân, hạ, thu, đông luân chuyển. Tất cả các giá trị tài sản đều thu hẹp lại và theo đó áp lực lạm phát sẽ giảm dần.  

Ông Hsieh Chin-ho cho biết nhìn lại cơn sóng thần tài chính năm 2008, khi đó thị trường chứng khoán toàn cầu sụp đổ và giá trị thị trường bốc hơi 18.300 tỷ USD, việc suy thoái thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục vào tháng 5 năm nay khiến giá trị thị trường bốc hơi có thể đã tương đương cơn sóng thần tài chính hồi đó, chỉ khác là hiện nay người ta không thấy sốc, tình trạng mọi người bất giác như ếch luộc trong ấm nước, khi nhận ra đau đớn thì đã quá muộn.

Ông nói: “Lần này, top 100 người giàu nhất thế giới đã mất ít nhất một nghìn tỷ USD giá trị tài sản ròng. Các công ty vốn hóa lớn ở Mỹ, chẳng hạn như Apple giảm từ 3.000 tỷ USD xuống 2.279 tỷ USD, Microsoft giảm từ 2.560 tỷ USD xuống 1.900 tỷ USD, Google mất 500 tỷ USD và Amazon là công ty kém nhất với giá trị thị trường giảm từ 1.919 tỷ USD xuống 1.090 tỷ USD, Tesla cũng khốn đốn, Nvidia giảm một nửa, trong khi TSMC’s Adr giảm 39,9% …

Chuyên gia Đài Loan này nói rằng tất cả tài sản đều bị thu hẹp, trong khi đồng đô la Mỹ tăng vọt thì đồng tiền của nhiều nước mất giá so với USD. Trước đây, thị trường chứng khoán không tốt thì người ta có thể trốn trong thị trường trái phiếu, lần này thì cả hai nguồn này đều “cùng chết”, cuối cùng là sự sụp đổ của đồng tiền ảo với ít nguyên tắc cơ bản nhất. Chuyên gia này cho rằng an toàn nhất là để tiền mặt, nhưng ngoại trừ USD thì mọi nguồn khác đều trên đà mất giá.

Ông cho biết nhiệm vụ chính của Fed là chống lạm phát, lúc này vừa giơ tay thì tài sản toàn cầu đã bị thu hẹp đáng kể, tiếp theo sẽ là bớt các yếu tố cấu thành nên lạm phát, ví dụ như giá niken trên thị trường niken ở mức 100.000 USD thì hiện còn 24.570 USD, giá nhôm, thiếc và đồng cũng đã giảm; nếu giá dầu và khí đốt tự nhiên cũng giảm thì áp lực lạm phát sẽ giảm đi nhiều.

Chủ sở hữu WEALTH MAGAZINE Đài Loan này ví von hiệu ứng “ông già và con chó” lại xuất hiện (ám chỉ mối quan hệ giữa các yếu tố cơ bản (ông già) và giá cổ phiếu (con chó), về lâu dài thì con chó sẽ trở lại chủ sở hữu), khi giá cổ phiếu tăng mạnh quá xa giá trị thực thì sẽ khiến thị trường chứng khoán suy thoái, tương tự hiện nay thị trường chứng khoán suy thoái quá mức thì đà xu thế ngược lại xuất hiện và mở ra cơ hội cho thị trường phục hồi. Năm 2022 là năm chết chóc, tình cảnh bi thảm của thị trường như giai đoạn từ tháng Một đến tháng Năm là rất hiếm.