Các chuyên gia quốc tế và trong nước đều đồng thuận rằng phải tăng thuế thuốc lá từ 2.000 – 5.000 đồng/bao để hạn chế việc sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, cũng còn có không ít các rào cản về mặt quản lý ngành thuốc lá tại Việt Nam.

Đó là thông tin được trao đổi tại hội thảo “Thúc đẩy giám sát và truyền thông Phòng chống tác hại của thuốc lá” do Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm tổ chức vừa qua.

thuoc la
Còn có nhiều rào cản trong việc quản lý ngành công nghiệp thuốc lá. (Ảnh: unitedstatescigarettes.com)

Chuyên gia ủng hộ

Theo bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), hiện Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án sửa đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với mặt hàng thuốc lá. Bộ Y tế ủng hộ phương án áp dụng thu thuế hỗn hợp đối với thuốc lá và đề xuất nên đánh thuế tuyệt đối ở mức từ 2.000 – 5.000 đồng/bao thuốc lá thay vì mức 1.000 đồng của Bộ Tài chính.

“Càng tăng thuế thì Chính phủ càng có nguồn thu, giá bán lẻ thuốc lá cao thì thanh thiếu niên, người nghèo không có tiền mua”, bà Hải nói.

Bà Hải cho biết năm 2015 Việt Nam đã sử dụng 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá nhưng tốn trên 24.000 tỷ đồng cho chi phí khám chữa bệnh. Vì vậy, việc tăng thuế sẽ góp phần giảm tỷ lệ sử dụng, giảm gánh nặng bệnh tật gây ra do thuốc lá.

Còn theo đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam – ông Nguyễn Tuấn Lâm, WHO và Ngân hàng Thế giới ước tính khi tăng thuế để làm giá thuốc lá tăng 10% thì sẽ giảm tiêu dùng khoảng 4% ở các nước phát triển và 5% ở các nước đang phát triển.

Ở người nghèo và lớp trẻ sẽ giảm tiêu thụ nhiều hơn. Khi tăng giá 10% sẽ giảm tiêu thụ tới 10% ở trẻ em và người nghèo. Giá thuốc lá cao cũng có tác dụng ngăn ngừa trẻ bắt đầu hút thuốc, theo chuyên gia WHO.

Về điều này, ThS. BS. Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng lý do có đến hàng triệu người dùng thuốc lá tại Việt Nam là tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ vẫn ở mức thấp.

Dẫn báo cáo của WHO năm 2017, ThS. BS. Anh cho biết tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam chỉ hơn 35%, trong khi trung bình thế giới là gần 59%. Chẳng hạn như tại Thái Lan, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ thuốc lá là 75%; Brunei: 81%; Malaysia: 57%; Đức: 75%; Pháp là 80%…

Điều này , theo bà Anh, khiến cho giá thuốc lá trung bình của Việt Nam rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Do vậy, tỷ lệ thuế thuốc lá tại Việt Nam nên chiếm 2/3 hoặc 4/5 giá bán lẻ như một số nước khác để kìm sức mua trong nước.

“11,3% hộ gia đình hút thuốc thuốc lá nghèo sẽ thoát nghèo nếu số tiền chi cho thuốc lá được dùng cho thực phẩm”, ThS – BS. Anh nói.

Rào cản trong quản lý

Trong khi đó, TS. BS. Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng chỉ ra rằng ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam có “chiến lược” đưa các thông tin sai sự thật như họ có “nhiều đóng góp cho nền kinh tế”“xóa đói giảm nghèo”, trong khi đóng góp từ thuế thuốc lá rất nhỏ so với số tiền phải chi cho hậu quả của thuốc lá và các hộ nghèo đang tiêu tốn tới 5% thu nhập gia đình cho thuốc lá, nhiều gấp 1,6 lần so với chăm sóc sức khỏe.

TS – BS. Trần Tuấn cũng cho biết có những rào cản trong việc kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam khi cán bộ quản lý cao cấp ngành công nghiệp thuốc lá lại giữ vị trí quan trọng trong Bộ Công thương, nên họ có nhiều cơ hội tác động tới vấn đề kiểm soát thuốc lá như trong quá trình xây dựng chính sách, hoặc sử dụng vị trí là “đối tác” để góp ý dự thảo Luật.

“Đại diện ngành công nghiệp thuốc lá từng được phép tham gia vào các đoàn đàm phán Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) mà tại đó, đoàn Việt Nam đã không ủng hộ các nội dung mạnh về kiểm soát buôn lậu do các nước thành viên đề xuất”, BS. Tuấn cho hay.

Về vấn đề này, BS. Phạm Thị Hoàng Anh cho biết chỉ số can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá tại Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia). Đó là việc ngành công nghiệp thuốc lá tham gia vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến phòng chống tác hại thuốc lá; luân chuyển cán bộ cao cấp trong ngành công nghiệp thuốc lá với các cơ quan quản lý nhà nước.

Vì vậy, bà Anh đề nghị không bố trí cán bộ nhà nước tham gia quản lý tại các doanh nghiệp thuốc lá và ngược lại. Xem xét tiến tới cấm hoàn toàn các hoạt động “trách nhiệm xã hội” của các công ty thuốc lá; các cơ quan, đơn vị không nhận tài trợ của các doanh nghiệp thuốc lá; không hợp tác quảng cáo, quảng bá thuốc lá dưới mọi hình thức.

Ngoài ra, vấn đề kiểm soát hoạt động buôn lậu thuốc lá qua biên giới cũng chưa được kiểm soát tốt. Theo ông Nguyễn Tấn Vĩnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh phát hiện 71 vụ vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, phạt tiền 475 triệu đồng và tịch thu 98.176 bao thuốc lá ngoại.

Do đó các cơ quan quản lý thị trường cho rằng việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm tăng giá bán, giảm nhu cầu và hạn chế được hoạt động nhập lậu thuốc lá qua biên giới

2 phương án sửa đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho thuốc lá của Bộ Tài chính:

Phương án một là áp dụng thu thuế theo phương pháp hỗn hợp. Tức thu theo tỷ lệ thuế suất như hiện tại và bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/điếu xì gà. Bắt đầu áp dụng từ năm 2020.

Phương án hai, tăng thuế suất theo lộ trình: Năm 2020 tăng từ 75% lên 80%, một năm sau tăng lên 85%. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá hiện nay là 70% (áp dụng từ năm 2016 – 2018); năm 2019 tăng lên 75%.

Chân Hồ

Xem thêm: