Gần 710 triệu cổ phiếu của Tập đoàn FLC bị hủy niêm yết từ ngày 20/2, dự kiến sẽ được chuyển xuống giao dịch ở sàn UPCoM kể từ ngày 22/2. Doanh nghiệp này từng đề xuất hoãn việc hủy niêm yết vì “hoàn cảnh bất khả kháng” và cho biết có tới hơn 64.700 cổ đông bị ảnh hưởng.

Tập đoàn FLC, FLC chậm công bố thông tin, FLC công bố thông tin cải chính
Cổ phiếu FLC bị hủy niêm yết trên HoSE, nhiều nhà đầu tư lo “mất trắng” số tiền. (Ảnh chụp màn hình: vtc.gov.vn)

Theo đó, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo về việc thực hiện chuyển dữ liệu đăng ký, lưu ký cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) sang thị trường UPCoM từ ngày 22/2/2023.

Tổng số cổ phiếu được chuyển sàn là gần 710 triệu đơn vị (tương ứng tổng giá trị gần 7.100 tỷ đồng theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu). Còn tính tới thời điểm kết phiên giao dịch ngày 20/2, cổ phiếu FLC chỉ còn giá 3.570 đồng, mất hơn 80% giá trị so với mức đỉnh vào tháng 1/2022 (hơn 23.000 đồng/cổ phiếu).

Lý do chuyển sàn là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC bị hủy niêm yết theo Quyết định số 51 ngày 13/2 của HoSE nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định tại Điều 133 Nghị định số 155 ngày 31/12/2020 của Chính phủ.

Trước đó, ngày 14/2, HoSE ra quyết định hủy niêm yết đối với gần 710 triệu cổ phiếu FLC kể từ 20/2 do Tập đoàn FLC vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc theo quy định tại Nghị định 155.

Ngay sau đó, Tập đoàn FLC có văn bản phản hồi, kiến nghị cơ quan quản lý xem xét lại việc hủy niêm yết cổ phiếu FLC, trong đó cần thiết xem xét đến các lý do khách quan, cũng như hoàn cảnh bất khả kháng của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin.

Sau đó, bà Bùi Hải Huyền – Tổng giám đốc FLC có văn bản giải thích về việc cổ phiếu FLC bị HoSE hủy niêm yết và xin lỗi cổ đông.

Cổ phiếu bị hủy niêm yết như trường hợp FLC, ROS gần đây không đồng nghĩa với việc bị hủy giá trị, nhà đầu tư vẫn nắm quyền sở hữu và có thể mua bán cổ phiếu. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch sẽ khó khăn hơn trước rất nhiều và tiềm ẩn nhiều rủi ro, theo Vietnambiz.

Thay vì chỉ cần gõ phím trên máy tính hay điện thoại, nhà đầu tư sẽ phải liên hệ trực tiếp với các nhà đầu tư khác có nhu cầu ăn khớp với mình để giao dịch.

Người muốn bán cổ phiếu sẽ phải đi tìm người muốn mua (thông qua các hội nhóm, mạng xã hội, người quen, …) và người muốn mua cổ phiếu phải tìm người muốn bán, hai bên liên lạc với nhau rồi đàm phán giá cả và khối lượng giao dịch. Nếu không thể thống nhất, hai bên sẽ lại phải đi tìm đối tác khác để mua bán.

Vì hoạt động giao dịch có nhiều trở ngại, thanh khoản thấp, cổ phiếu bị hủy niêm yết thường kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn và do vậy có giá thấp hơn so với cổ phiếu đang niêm yết.

UPCoM là từ viết tắt của Unlisted Public Company Market – thị trường của những công ty đại chúng chưa niêm yết. Sàn UPCoM là nơi tập hợp những công ty cổ phần hoặc trách nhiệm hữu hạn, phát hành chứng khoán ra công chúng nhưng chưa được niêm yết.

Sàn UPCoM hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Khi cổ phiếu của công ty chưa đăng ký hoặc không đủ điều kiện niêm yết trên sàn HoSE cũng như sàn HNX thì sẽ được giao dịch trên sàn UPCoM, hay thị trường UPCoM.

Biên độ dao động của sàn UPCoM là cộng trừ (+/-) 15%, trong khi các sàn HNX là +/-10% và sàn HoSE là +/-7%.

Đức Minh