Kẻ “tiểu nhân” thường biểu hiện ra những hành vi và tư tưởng không mấy tử tế. Họ hay dùng thủ đoạn xấu để đạt được mục đích. Có lẽ ai trong đời cũng sẽ gặp phải những nhân vật phản diện như vậy, nhưng làm thế nào để nhận ra và vẫn giữ được sự hòa hợp với họ thì không hề đơn giản.

tiểu nhân
(Ảnh: Pixel-Sho/ Shutterstock)

Trước tiên cần phân biệt được đâu là nhân vật phản diện? Dưới đây là những biểu hiện thường thấy của họ.

Thích lan truyền tin đồn

Khi họ lan truyền những tin đồn thứ thiệt thì không chỉ để mua vui mà còn có những mục đích khác. Thậm chí đôi khi là vì để đề cao bản thân mà họ không ngần ngại nói xấu đối phương. Họ quen đưa ra những câu nói “nghe nói, nghe đồn” để bóp méo sự thật và tạo ra thứ gì đó hoàn toàn bịa đặt.

Thích kích động bất đồng

Chia rẽ tình đồng nghiệp, tình bạn bè, thậm chí là người thân. Họ luôn tạo ra tranh chấp và sự cố, “ngao cò tranh đấu, ngư ông đắc lợi”. Ngoài ra những người này còn có tài hùng biện và giỏi trong việc phủi bỏ trách nhiệm. Khi mọi chuyện kết thúc thì họ lại đóng vai là những người hòa giải.

Thích tâng bốc và nịnh nọt

“Khen ngợi và khích lệ” khác hoàn toàn với “nịnh nọt và tâng bốc”. Những người tiểu nhân thì luôn miệng lưỡi và mưu mô. Không những vậy, họ còn luôn tỏ ra nhiệt tình và ngọt ngào khiến cho người ta cảm thấy choáng váng và lạc lối. Họ luôn cố tình thân cận với sếp, chờ cơ hội để báo cáo và được sủng ái.

Trong ngoài không đồng nhất

Về phương diện công việc, họ thường không nhất quán trong lời nói và hành động. Họ chỉ giỏi những kỹ năng bề ngoài, và cũng giỏi tận dụng cơ hội và giành công, cướp công của người khác. 

Về phương diện đối nhân xử thế với mọi người, họ thường là kẻ hai mặt. Ở trước mặt người nào đó thì khen ngợi, nhưng sau lưng lại có thể bán đứng và nói xấu họ.

Không trung thành và thật tâm

Ai đang nắm quyền thì bám lấy, ai thất thế thì bỏ rơi. Họ dường như chỉ lợi dụng quyền lực của người khác để nâng cao địa vị bản thân và không muốn đến gần những người bị coi là “vô giá trị” trong mắt họ.

Thích “giẫm” lên người khác

Bạn trồng một cái cây, và họ tận dụng bóng mát, họ dùng bạn để mở đường cho họ. Còn sau khi họ thành công, họ sẽ không báo đáp bạn. Thậm chí họ còn trở mặt và hạ uy tín của bạn một cách tàn nhẫn. Không những vậy, họ còn lợi dụng người khác và coi đó là điều hiển nhiên.

Thích “ném đá xuống giếng”

Bất cứ khi nào ai đó vấp ngã hoặc thất bại, họ sẽ nhân cơ hội để đẩy người đó té thêm nữa. Ví như lan truyền thông tin rằng ai đó “đáng bị vậy”! Ngoài ra còn luôn cười trên sự đau khổ của người khác.

Thích tìm một ai đó để “thế tội”

Rõ ràng là họ có lỗi về lời nói và việc làm của mình, nhưng họ không chịu thừa nhận điều đó, họ nhất quyết nói những điều trái với lương tâm, và cũng muốn tìm người để thế tội. Họ có tài hùng biện sắc bén và dám thề thốt để có thể đánh lừa mọi người. Chính vì vậy mà có lúc sự thật bị bỏ lại sau lưng và mãi mãi bị che khuất bởi sự bóp méo.

Thật khó mà tưởng tượng ra một người có lòng dạ tiểu nhân lại xấu tệ đến mức ấy. Nhưng có một thực tế là bạn không thể né tránh họ. Trong xã hội, chúng ta luôn phải tiếp xúc và làm việc với một đoàn thể, cho nên cũng không thể chỉ vì ở đâu đó có những người như vậy mà chúng ta phải bỏ đi tìm nơi mới. Có lẽ cách tốt nhất chính là bản thân phải học một số kỹ năng để có thể “cùng sinh tồn” với họ. Và khi bạn nắm vững được các nguyên tắc này, bạn sẽ dễ dàng hòa hợp hơn.

shutterstock 533579002
Hãy nhớ rằng “Nhẫn” là chiếc chìa khóa giúp bạn mở được những lốii thoát cho mình. (Ảnh: fizkes/ Shutterstock)

Tránh việc phải đắc tội với họ

Đừng vì những điều họ làm mà một mình công khai tố giác hoặc nói lý. Thông thường những người này không bao giờ nghĩ rằng bản thân xảo quyệt và không tốt. Họ rất nhạy cảm, mắt sắc như chim ưng và lưỡi sắc như kiếm, do đó bạn chắc chắn không phải là đối thủ của họ.

Tuy nhiên cũng còn tùy vào trường hợp và hoàn cảnh. Nếu họ làm những điều hại người và trái với đạo đức, thì bạn cũng không thể làm ngơ. Bởi vì im lặng trước điều xấu thì cũng chính là đồng lõa. Tuy nhiên để không rước họa vào thân thì hãy thật tỉnh táo và khéo léo để giải quyết vấn đề.

Giữ khoảng cách

Duy trì một mối quan hệ bề ngoài phẳng lặng, và cũng đừng bao giờ cố gắng thân thiết như bạn bè. Bởi vì chơi với họ cũng như đang chơi với con dao hai lưỡi, họ có thể trở mặt vô tình, và khiến bạn ứng phó không kịp.

Hãy cẩn thận với lời nói của mình

Nếu bạn chỉ trích hoặc nói về quyền riêng tư của ai đó với họ, nó chắc chắn sẽ trở thành công cụ để họ gây rắc rối, hoặc là con át chủ bài để họ trả đũa bạn trong tương lai. Còn nếu họ chỉ trích hoặc nói về đời tư của người khác, thì tốt nhất là bạn nên rút lui ngay lập tức và không tham gia vào.

Không cần thiết thì không dây dưa

Họ giỏi giao tiếp xã hội và tham gia vào các nhóm nhỏ. Điều này trông có vẻ rất sống động và có nhiều lợi ích, nhưng bạn không được dựa vào họ để đạt lợi ích, bởi vì họ sẽ yêu cầu phần thưởng gấp đôi. Thậm chí bạn sẽ phải mất nhiều hơn số tiền kiếm được vì những khoản lỗ này.

Chịu thiệt một chút cũng không sao

Đừng bao giờ hơn thua với họ. Bởi vì bạn không chỉ khó có được công lý mà còn tạo ra sự thù hận lớn hơn. Họ hẹp hòi và tàn nhẫn, họ sẽ không bao giờ kết thúc với bạn, và bạn sẽ còn gặp nhiều mệt mỏi hơn.

Cổ nhân dạy: “Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng”. Bạn cần coi đây là một bài học mà mình sẽ mang theo cả đời. Nó sẽ giúp bạn phát triển và giành được nhiều sự tôn trọng hơn. Hơn nữa, chính nghĩa ở trong lòng người, và sẽ không ai muốn làm bạn với kẻ ác. Dừng lo lắng rằng mọi người sẽ không hiểu. Hãy nhớ rằng “Nhẫn” là chiếc chìa khóa giúp bạn mở được những lối thoát cho mình.

Trúc Nhi/ Theo 360doc

  • Mời xem video: Muốn biết bản thân đi bao xa, hãy xem mình cùng ai đồng hành