Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, người lao động phải thường xuyên vay tiền để chi tiêu sinh hoạt hằng tháng. Theo thống kê 2 năm gần đây, có đến 4,8 triệu người chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống.

người lao dộng rút BHXH một lần công nhân thường xuyên vay tiền chi tiêu dời sống công nhân
Công nhân, người lao động hiện gặp nhiều khó khăn do tiền lương giảm, chi phí sinh hoạt liên tục gia tăng. (Ảnh: Vietnam Colors/Shutterstock)

Tại buổi hội thảo tương lai nào cho người lao động tổ chức ngày 10/6, ông Vũ Minh Tiến – Viện trưởng viện Công nhân và công đoàn cho hay có 11% công nhân phải thường xuyên vay tiền để chi tiêu sinh hoạt. Bên cạnh đó, có 38% công nhân thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu, khám chữa bệnh, theo báo Tiền Phong.

Ông Tiến cho biết với mức thu nhập hiện nay, đời sống của công nhân, người lao động bấp bênh, thiếu trước hụt sau. Mặt khác, họ phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng tiền lương thấp, nếu không làm thêm ngoài giờ thì không đủ sống.

Trước khó khăn đó, nhiều người đã chọn rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để trang trải cuộc sống. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Nidec Việt Nam (Khu công nghệ TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết các doanh nghiệp có xu hướng cho lao động lớn tuổi (40-45 tuổi) nghỉ việc nên nhiều công nhân muốn rút BHXH một lần để có tiền giải quyết khó khăn trước mắt, được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Sau khi nghỉ việc, họ làm thời vụ. Ở nhiều doanh nghiệp, công nhân thời vụ nhiều hơn công nhân chính thức, ông Hồng cho biết.

Tại hội thảo, PGS.TS Giang Thanh Long nhận định độ tuổi rút BHXH một lần ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi. Theo thống kê 2 năm gần đây, có đến 4,8 triệu người lao động chọn rút BHXH một lần.

Qua khảo sát năm 2021, ông Long cho hay nhóm người có độ tuổi từ 30-40 (nhóm chiếm tỷ trọng cao trong dân số Việt Nam và là lao động chính) chỉ có 15% số người được hỏi là có phần tiền tiết kiệm, chủ yếu cuộc sống phụ thuộc tiền công, tiền lương. Đối với họ, khi kinh tế gặp khó khăn, thu nhập giảm hay mất việc làm sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống.

Bên cạnh đó, sau đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán), có 80% người lao động bị giảm thu nhập, trong đó có 60% giảm từ 20-30% so với trước dịch, ông Long cho biết.

Vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất mức lương tối thiểu theo giờ từ 15.600-22.500 đồng một giờ làm việc (gần 1 đô la Mỹ/giờ). Trong bối cảnh giá cả hàng hóa ở Việt Nam tăng “chóng mặt” hiện nay, mức lương này được cho là còn khá thấp.

Đức Minh