Sau năm 2020 lỗ hơn 1.320 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tiếp tục đưa ra kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2021 với số tiền hơn 670 tỷ đồng và hơn 6.000 lao động phải nghỉ việc.

shutterstock 1753751315 scaled
Một đoàn tàu đi qua thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa (Ảnh: Venera Che/Shutterstock)

Theo báo cáo của VNR tại buổi tổng kết hoạt động năm 2021, doanh thu hợp nhất của công ty dự kiến đạt 6.653,7 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế âm đến hơn 670 tỷ đồng.

Nguyên nhân doanh thu đạt 100% kế hoạch đặt ra nhưng lợi nhuận âm là do tình hình kinh doanh thua lỗ đã dự báo trước. Vào tháng 9/2021, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC) cho phép VNR lỗ dưới 700 tỷ đồng năm 2021.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết các đoàn tàu khách bị tạm dừng vào thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID bùng phát năm 2021. Nhiều lao động của công ty này đã được cho nghỉ việc và tạm hoãn hợp đồng lao động. Theo báo Dân Việt đưa tin, hơn 6.000 lao động của công ty VNR phải nghỉ việc trong năm 2021.

Không chỉ do ảnh hưởng của COVID, thực trạng nhiều năm qua việc kinh doanh của VNR liên tục cho thấy dấu hiệu đi xuống. Năm 2020, công ty VNR có doanh thu là 6.828 tỷ đồng, bằng 79% so với năm 2019. Cùng thời điểm này công ty VNR ghi nhận khoảng lỗ hơn 1.320 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID) của công ty VNR chỉ có 14 tỷ đồng.

Theo số liệu từ báo Thanh Niên, thị phần vận tải của ngành đường sắt năm 2020 giảm xuống gần như 0%, chỉ còn chiếm khoảng 0,2% lượng vận chuyển hành khách và 1,2% lượng vận tải hàng hóa. Trong khi đó, vận tải bằng đường hàng không chiếm 31,4% thị phần và đường bộ là 65,6% năm 2020.

Những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của VNR có thể kể đến như cơ sở hạ tầng cũ kỹ, đường ray lỗi thời, hệ thống quản lý nhà ga chưa nâng cấp, chất lượng phục vụ hành khách kém, giá vé cao so với các phương tiện vận chuyển khác và thời gian di chuyển lâu hơn, v.v. Những vấn đề này đã tồn tại nhiều năm.

Quang Minh

Xem thêm: