Bản chi tiết cuối cùng của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được công bố vào thứ Tư (21/2) trước khi được 11 nước thành viên ký kết chính thức vào ngày 8/3 tới tại thủ đô Santiago (Chile).

TPP minus US
(Ảnh: shutterstock)

Theo Reuters đưa tin, dự thảo cuối cùng nhằm mục tiêu giảm bớt các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế thành viên tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo đó, CPTPP có hơn 20 điều khoản đã được tạm đình chỉ hoặc thay đổi so với thỏa thuận ban đầu là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Đây được xem là tín hiệu rõ ràng nhất cho tới thời điểm này cho thấy sự tồn tại và khả năng hiện thực hóa cao nhất của TPP sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi.

Theo Bộ trưởng Thương mại Úc, Steve Ciobo, thỏa thuận mới này sẽ loại bỏ hơn 98% thuế quan thương mại tại khu vực thương mại có GDP khoảng 13.000 tỷ USD.

11 quốc gia hiện tại tham gia CPTPP bao gồm: Nhật Bản, Úc, Canada, Chile, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Tổng GDP các nước trong khối chiếm 13,5% quy mô nền kinh tế toàn cầu. Trong năm 2016, trao đổi mậu dịch giữa 11 nước là 356 tỷ USD.

Trong tiến trình đàm phán CPTPP, một động thái bất ngờ từ Washington khi tháng trước, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới được tổ chức ở Thụy Sĩ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Washington có thể tham gia trở lại nếu họ có được một thỏa thuận tốt hơn.

Tuy nhiên, các thành viên CPTPP cho rằng điều đó khó xảy ra trong ngắn hạn. Bộ trưởng Thương mại New Zealand – ông David Parker cho rằng triển vọng Mỹ quay trở lại hiệp định trong vài năm tới là “không có khả năng”, và thậm chí ngay cả khi Washington muốn tham gia trở lại thì cũng không có gì đảm bảo rằng các thành viên khác sẽ dỡ bỏ những điều khoản đang bị đình chỉ.

Trưởng đoàn đàm phán của Nhật Bản, ông Kazuyoshi Umemoto hoan nghênh động thái mới của Mỹ đối với hiệp định, song cũng cho rằng việc thay đổi hiệp định vào thời điểm này là rất khó.

Khi được hỏi về khả năng Anh gia nhập CPTPP sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu, ông Umemoto nói bất kỳ nước nào tán thành thỏa thuận này và muốn trở thành hội viên đều được chào đón, bất kể vị trí địa lý.

Ông Umemoto kỳ vọng CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực trong nửa đầu năm 2019, sau khi ít nhất 6 nước thành viên hoàn tất các thủ tục trong nước.

Theo văn bản cuối cùng, Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ít nhất sáu nước ký kết hoặc ít nhất 50% số nước ký kết của Hiệp định, tùy trường hợp nào cho giá trị nhỏ hơn, thông báo cho cơ quan lưu chiểu bằng văn bản rằng họ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý hiện hành của mình.

Nếu một bên rút khỏi Hiệp định, Hiệp định này vẫn có hiệu lực với các bên còn lại.

Khi văn bản cuối cùng được công bố, đại diện các nước thành viên đã bày tỏ quan điểm tích cực về những lợi ích kinh tế mà thỏa thuận CPTPP có thể mang lại.

Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada, ông Francois-Philippe Champagne kỳ vọng CPTPP sẽ tăng cường hỗ trợ tầng lớp trung lưu bằng cách tạo ra nhiều việc làm mới và mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Canada tới những thị trường quy mô lớn đang phát triển nhanh.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand – David Parker cho rằng CPTPP trở nên ngày càng quan trọng trong bối cảnh có nhiều ý kiến phản đối các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Úc – Steve Ciobo nhận định CPTPP sẽ tạo thêm việc làm tại Úc trong mọi lĩnh vực từ nông nghiệp, chế tạo, khai khoáng tới dịch vụ bởi thỏa thuận sẽ tạo ra những cơ hội mới trong một khu vực tự do mậu dịch trải rộng từ châu Mỹ tới châu Á.

Chân Hồ

Xem thêm: