Bên cạnh tán đồng sự cần thiết phải phê chuẩn CPTPP, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại Hiệp định tự do thương mại sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh lên các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nguyen Van Giau
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn CPTPP. Ảnh: Quochoi.vn

Ngày 2/11, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo thẩm tra Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khi Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP.

Báo cáo thẩm tra chỉ ra rằng có ý kiến băn khoăn về chênh lệch trình độ phát triển của Việt Nam so với các quốc gia thành viên CPTPP còn khá lớn.

Cụ thể, theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người năm 2017 của các nước thành viên CPTPP là: Úc 56.135 USD, Singapore 53.880 USD, Canada 44.773 USD, New Zealand 41.629 USD, Nhật Bản 38.550 USD, Brunei 27.893 USD, Chile 14.314 USD, Malaysia 9.659 USD, Mexico 9.249 USD, Peru 6.598 USD và Việt Nam 2.306 USD.

Như vậy, GDP bình quân đầu người của Việt Nam thấp nhất trong khối, và thấp hơn nước đứng đầu danh sách tới 25 lần.

Theo đó, Ủy ban Đối ngoại cho rằng mặc dù Hiệp định CPTPP mang lại nhiều cơ hội nhưng kèm theo đó là những rủi ro và thách thức đối với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, nông nghiệp, thu ngân sách, sở hữu trí tuệ, lao động, an toàn thông tin.

Do vậy, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ các rủi ro, đồng thời có phương án ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực lên nền kinh tế.

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra cũng phản ánh một số ý kiến cho rằng Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động của CPTPP ở mức độ định tính, mà chưa định lượng được mức độ ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách hỗ trợ các chủ thể bị chịu rủi ro phát sinh khi Hiệp định đi vào hiệu lực.

Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng bản dự kiến kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP còn thiếu cụ thể, chưa phân công, xác định rõ trách nhiệm và tiến độ hoàn thành, tính hợp hiến và mức độ phù hợp của Hiệp định CPTPP với nền pháp luật quốc gia.

Sức ép lên doanh nghiệp nội

cptpp
11 quốc gia CPTPP. Ảnh: Shutterstock

Tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu bên cạnh tán đồng sự cần thiết phê chuẩn CPTPP cũng bày tỏ băn khoăn về những thách thức, đặc biệt là khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhắc lại thời kỳ Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết trái với sự phấn khích và kỳ vọng hàng Việt sẽ đi ra biển lớn, phủ rộng khắp năm Châu, thực tế là hàng hóa các nước lại tràn vào Việt Nam nhiều hơn, khiến tình hình nhập siêu ngày một nghiêm trọng.

Do đó, vị đại biểu này băn khoăn với CPTPP, thì xuất khẩu có theo kịp nhập khẩu không, hay liệu năng lực cạnh tranh thấp sẽ khiến hàng hóa các nước tràn vào Việt Nam nhiều hơn.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng thực tế nền sản xuất nội địa của Việt Nam còn yếu, năng lực cạnh tranh hạn chế nên khi hội nhập sẽ tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp nội.

Bên cạnh đó, ông Minh còn lo ngại thực trạng công nghệ lạc hậu từ các nước tuồn vào Việt Nam; và sự chuyển dịch về văn hóa cần có sự tính toán, chuẩn bị kỹ lưỡng để phòng tránh rủi ro.

Trước đó, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực thực thi vào ngày 30/12, sau khi được Úc – quốc gia thứ 6 phê chuẩn Hiệp định vào hôm 31/10.

Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, Hiệp định CPTPP gồm 11 nước thành viên với quy mô dân số 502,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số thế giới và đóng góp 13,5% GDP toàn cầu.

Tổng kim ngạch thương mại toàn khối có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của Việt Nam với 11 nước thành viên CPTPP trong năm 2017 mới chỉ khoảng 68 tỷ USD, chưa tới 1% dung lượng toàn khối.

Do đó, một số ý kiến cho rằng dư địa cho xuất khẩu còn rất lớn, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp nội địa sẽ tận dụng nó như thế nào. Theo ước tính của Chính phủ, việc tham gia CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% – 2% tính đến năm 2035.

Tú Mỹ

Xem thêm: