Quý đầu năm 2023, Đà Nẵng ghi nhận tới gần 2.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng gần gấp rưỡi so với cùng kỳ 2022. Bên cạnh đó, số công ty giải thể tăng gần 8%. Nhìn tổng quát, Việt Nam đối mặt thách thức về kinh tế khi du lịch chưa thể phục hồi, sản xuất đình trệ vì thiếu đơn hàng, sức mua nội địa yếu do thu nhập người dân không chạy theo kịp giá cả tăng vọt,…

khach san da nang du lich doanh nghiep da nang 1392591317
Du lịch chưa phục hồi, hàng loạt khách sạn Đà Nẵng phải rao bán vì không cầm cự nổi lãi vay ngân hàng. (Ảnh minh họa: Quang nguyen vinh/Shutterstock)

Theo đó, ngoài 2.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động (cao hơn gấp rưỡi cùng kỳ) còn có 168 đơn vị phá sản (giải thể) do gặp quá nhiều khó khăn, tăng 8% so với cùng kỳ 2022, VOV đưa tin.

Ở chiều ngược lại, thành phố cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho hơn 800 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 3.200 tỷ đồng, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái; 673 doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 42%.

So với quý 4/2022, khoảng 50% số doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn hơn và hơn 25% doanh nghiệp dự báo tình hình sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Đáng chú ý, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng đang phải âm thầm rao bán; trong đó có các khách sạn 4-5 sao giá gần nghìn tỷ đồng. Điều này phản ánh một phần tình trạng du lịch vẫn chưa phục hồi, theo báo Việt Nam Net.

Chị Ngân, một môi giới bất động sản ở Đà Nẵng nhận xét từ sau đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) tại Đà Nẵng có rất nhiều khách sạn rao bán. Công ty chị đang nhận khoảng 20 khách sạn gửi bán, chủ yếu ở quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.

Trên các trang mua bán bất động sản, khách sạn Đà Nẵng từ 2-5 sao được rao bán nhan nhản nhưng đều không để lộ tên, hình ảnh, địa chỉ cụ thể. Theo anh V., hầu hết khách sạn rao bán đều diễn ra ngầm.

“Nếu để lộ thông tin rao bán sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc kinh doanh, đến hình ảnh, tên tuổi của khách sạn. Nhiều người dò hỏi, khảo giá,… gây nhiễu loạn”, anh V. lý giải.

Giám đốc một khách sạn ven biển Đà Nẵng cho hay mặc dù lượng khách quốc tế đã quay trở lại thành phố nhưng công suất phòng ở Đà Nẵng mới chỉ đạt hơn 40%, thu không đủ bù chi nên việc kinh doanh khách sạn gặp nhiều khó khăn.

Nếu khách sạn không vay ngân hàng thì ít ra, công suất phòng phải đạt 30-40% mới đủ chi phí duy trì hoạt động. Còn nếu vay ngân hàng thì đạt 60-70% công suất nhiều khi cũng không đủ để trả lãi vay.

Một thành phố trực thuộc trung ương khác vốn là “đầu tàu” kinh tế của Việt Nam cũng công bố số liệu tăng trưởng ảm đạm.

Theo số liệu Cục Thống kê TP.HCM, quý 1/2023 có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu của TP.HCM có mức tăng trưởng âm, gồm: vận tải kho bãi giảm 0,63%; thông tin và truyền thông giảm 2,70%; kinh doanh bất động sản giảm 16,2%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội giảm 4,82%.

Trong quý 1/2023, tổng sản phẩm tại địa phương (GRDP) của TP.HCM ước đạt 360.000 tỷ đồng (khoảng 15,3 tỷ USD), tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương.

Tính trên cả nước, con số tăng trưởng của TP.HCM xếp thứ 56 trong 63 tỉnh thành.

Về xuất nhập khẩu, Việt Nam cũng đang đối mặt thách thức lớn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung quý 1/2023, tổng giá trị xuất – nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,2 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9% và nhập khẩu giảm 14,7%.

Trọng Minh