Tương tự đặc khu Sihanoukville của Campuchia, Kyaukphyu của Myanmar cũng là một phần quan trọng của chiến lược “Một vành đai, một con đường” và “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc.

cang nuoc sau Kyaukphyu
Cảng nước sâu Kyaukphyu – Một mắt xích trong sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc. (Ảnh: kpsez.org)

Tính đến tháng 7/2017, Myanmar có 3 dự án đặc khu kinh tế (SEZ) đã được phê duyệt bao gồm: Dawei SEZ ở khu vực Đông Nam vùng Tanintharyi; Thilawa SEZ nằm cách 25km về phía Nam của Thành phố lớn nhất Myanmar – Yangon; và Kyaukphyu SEZ ở phía Tây Nam bang Rakhine.

Theo biên bản thỏa thuận ghi nhớ đã được ký kết, Thái Lan là nhà phát triển của Dawei SEZ từ năm 2008, trong khi Trung Quốc sẽ đầu tư tại Kyaukphyu SEZ vào năm 2009, và Nhật Bản là nhà phát triển Thilawa trong năm 2013.

Và mặc dù bắt đầu muộn hơn, Thilawa SEZ lại là đặc đầu tiên và duy nhất đi vào hoạt động từ năm 2015 cho đến nay của Myanmar. Trong khi đó, tại Kyauphyu, các hoạt động xây dựng đầu tiên đã bắt đầu từ năm 2014 – 2015, nhưng vẫn không được tiến hành trong năm 2016 mặc dù các khâu đã được chuẩn bị để thu hồi đất cho dự án. Còn các hoạt động xây dựng tại Dawei đã bị đình trệ do thiếu vốn đầu tư nhưng có khả năng sẽ sớm bắt đầu lại.

Đáng chú ý, các tác động đáng kể đến môi trường và xã hội bao gồm: vi phạm nhân quyền, chiếm đất, phá hủy đất nông nghiệp, và mất sinh kế người dân địa phương đều được ghi nhận tại cả 3 dự án đặc khu nói trên của Myanmar.

Khu vực đắc địa rơi vào tay nước ngoài

Trái ngược với dự án đặc khu Thilawa và Dawei là các dự án chính phủ hợp tác với chính phủ (government to government) được hỗ trợ tương ứng bởi Nhật Bản và Thái Lan, Kyauphyu SEZ được khởi xướng như một dự án do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn dưới hình thức nhà đầu tư hợp tác với chính phủ (business to government), trong đó doanh nghệp nhà nước lớn nhất Trung Quốc – CITIC Group là cổ đông chính nắm giữ 85% cổ phần.

Thị trấn Kyaukphyu là địa điểm thuận lợi nhất về cảng biển nước sâu và có tầm quan trọng chiến lược đáng kể đối với Myanmar. Tương tự Sihanoukville của Campuchia, Kyaukphyu có chức năng quan trọng trong kế hoạch kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc và là một phần của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” và “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc được công bố vào năm 2013.

Không những thế, Kyaukphyu còn đóng vai trò quan trọng liên quan đến tuyến hàng hải và an ninh năng lượng của Trung Quốc, và là một phần của Hành lang Kinh tế Bangladesh – Trung Quốc – Ấn Độ – Myanmar (EC). Thông qua Kyaukphyu, khả năng tiếp cận vùng biển Ấn Độ Dương của Trung Quốc được giảm bớt 5.000 km khoảng cách đường biển từ Trung Quốc sang Ấn Độ và vươn xa hơn nữa, giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển cho hàng hóa xuất khẩu.

Kyaukphyu còn là ga cuối của đường ống dẫn dầu và khí đốt xuyên Myanmar đến Côn Minh (Trung Quốc) sẽ được đi thông qua cảng Kyaukphyu – điều mà CITIC cho là vận chuyển một sản phẩm “có liên quan” của đặc khu kinh tế Kyaukphyu.

duong ong dan dau Con Minh
Đường ống dẫn dầu xuyên Myanmar của Trung Quốc. (Ảnh: Blomberg)

Với vị trí đắc địa, đề xuất của chính phủ Myanmar để đầu tư xây dựng cảng nước sâu quốc tế Kyaukphyu theo thỏa thuận liên doanh 50:50 đã bị tập đoàn Trung Quốc từ chối, theo đó, CITIC đòi hỏi quyền nắm giữ từ 70% – 85% cổ phần cảng.

Việc thẩm tra và xét duyệt hồ sơ đấu thầu để CITIC nắm giữ 85% cổ phần Kyaukphyu SEZ là một “điểm mù” gây tranh cãi. Theo một nhân viên chính phủ Myanmar tiết lộ, “hầu hết các nghị sĩ, thậm chí là đại diện phía quân đội Myanmar đều phản đối mô hình đề xuất bởi Trung Quốc”, nhưng bằng một cách nào đó chúng vẫn được thông qua, CITIC nắm giữ 85% cổ phần, phần còn lại 15% cho người Myanmar.

Và như cách tiếp cận đối với các khoản Trung Quốc cho Sri Lanka vay để làm cảng nước sâu Hambantota theo hình thức liên doanh, khi Sri Lanka không trả được nợ họ đã buộc phải bàn giao lại cảng cho Trung Quốc trong vòng 99 năm để được giảm, hoãn nợ. Chiến thuật tương tự cũng được Trung Quốc áp dụng cho Myanmar, bằng việc cung cấp các khoản cho vay “lấp lửng” cho phép hoán chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu khi người vay không trả được nợ, từ đó giành quyền kiểm soát một trong những khu vực chiến lược nhất của Myanmar.

Tại sao các SEZ được phát triển?

Được công bố vào 5 năm trước, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (One Belt, One Road – OBOR) đã nhanh chóng trở thành trung tâm của chính sách đối ngoại và chiến lược kinh tế – địa chính trị của Trung Quốc. Mục tiêu của chiến lược này là duy trì đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bằng cách liên kết với các đối tác thương mại bên ngoài; điều này đôi khi được nhìn thấy ở Đông Nam Á như là một cách của Trung Quốc để xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa và công nghệ lạc hậu sang các nước này; tìm cách tiếp cận các thị trường mới và phát kiến các chính sách đối ngoại thông qua “bẫy nợ” để tiếp cận các vùng chiến lược bên ngoài Trung Quốc.

Mặc dù đặc khu kinh tế Sihanoukville có trước OBOR, cả nó lẫn Kyaukphyu đều đang nằm dưới chiếc thòng lọng của sáng kiến này.

Embed from Getty Images

Sáng kiến ‘Một vành đai, một con đường’

Theo nghiên cứu của GS. Guangsheng thuộc Đại học Vân Nam, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” yêu cầu tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 1,4 ngàn tỷ USD, trong đó quỹ “Con đường tơ lụa” được thành lập với 40 tỷ USD dùng để phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hợp tác trên 65 quốc gia khác nhau, bao gồm các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với nguồn vốn 100 tỷ USD và Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) với số vốn 50 tỷ USD (kế hoạch tăng lên 100 tỷ USD), đều sẵn sàng đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho chiến lược OBOR.

Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh OBOR vào tháng 5/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra cam kết rót thêm 124 tỷ USD cho kế hoạch này bao gồm 14,5 tỷ USD cho quỹ Con đường tơ lụa; 37 tỷ USD các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB); và 20 tỷ USD cho vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Một mưu lược của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” là cơ chế hợp tác Lancang – Mekong (LMC) được hình thành từ tháng 11/2015, bao gồm tất cả 6 nước tiểu vùng lưu vực sông Mê Kông: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Cơ chế này cạnh tranh trực tiếp với sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông (trừ Trung Quốc) của Hoa Kỳ.

Trung Quốc xem vùng sông Mê Kông là: “khu vực thử nghiệm phù hợp nhất cho sáng kiến OBOR hay còn gọi là Vành đai và Con đường (BRIC) để tạo bước đột phá”, trước khi áp dụng sang các quốc gia nằm trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA). Trong đó thử nghiệm tập trung vào cơ chế tăng cường hỗ trợ cho Lào, Thái Lan và Campuchia bằng các khoản tín dụng do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cung cấp, sau đó là kế hoạch đổ tiền để “nâng cấp” các quốc gia còn lại trong vùng Mê Kông.

Để hoàn thành chiến lược đầy tham vọng, Trung Quốc đang bơm vốn vào các tiểu vùng chiến lược để “phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng” bao gồm các đặc khu kinh tế lẫn khu công nghiệp. Để đáp ứng nguồn vốn cho xây dựng nhà máy và phát triển công nghiệp – (nơi sẽ tiêu thụ năng lực sản xuất dư thừa và công nghệ lạc hậu từ Đại lục), Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ cung cấp các khoản cho vay 1,5 tỷ USD và có thể nới rộng lên đến 10 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng đã được thông qua tại cuộc họp của cơ chế hợp tác Lancang –  Mekong (LMC) vào tháng 3/2016.

Với chiến lược này, Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sự hiện diện tại những điểm nóng trên bản đồ địa chính trị khu vực tiểu vùng Mê Kông nói riêng và toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng như hướng tham vọng sang các cửa ngõ châu Âu. Trong đó, các đặc khu kinh tế là những “viên thuốc bọc đường” hấp dẫn các quốc gia nhỏ hơn thông qua các khoản tín dụng cho vay dễ dãi, và như một thứ thuốc phiện, chúng biến các quốc gia đi vay thành con nợ và buộc phải bàn giao lại cảng biển, đất đai để được xóa nợ.

(*) Theo Báo cáo ‘Đặc khu kinh tế và khai thác giá trị từ vùng sông Mekong’, tháng 7/2017.
Tác giả: Charlie Thame, Viện Khoa học Chính trị, Đại học Thammasat, Bangkok, Thái Lan – Bản quyền thuộc về Focus on the Global South.

Chân Hồ biên dịch

Xem thêm: