Ngành thuế muốn Uber, Grab đóng góp cho ngân sách nhiều hơn; các hãng taxi truyền thống thì yêu cầu Uber, Grab ngừng hoạt động; nhưng người tiêu dùng thì lại mong muốn sử dụng dịch vụ này. Làm thế nào để dung hòa những lợi ích đầy mâu thuẫn này là bài toán đặt ra cho giới cơ quan hữu trách.

vinasun gan ban hieu phan doi Uber
(Ảnh: cafef.vn)

Dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab là “không hay”

Chiều 9/10, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. HCM họp khẩn về việc tài xế taxi Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Grab, Uber, đề nghị dừng thí điểm dịch vụ này vì bất công trong kinh doanh.

Phó Giám đốc Sở GTVT, Trần Quang Lâm cho rằng, taxi hãng Vinasun dán băng rôn trên xe để phản ứng Uber, Grab là “không hay”, TP.HCM là thành phố lớn nên hành vi này lan tỏa rất nhanh.

Thành ủy thành phố cho rằng, do trong giai đoạn thí điểm nên phát sinh những vấn đề chưa lường hết. Để không làm ảnh hưởng đến hình ảnh và hoạt động kinh doanh trên địa bàn, Thành ủy đã đề nghị tài xế Vinasun cần tháo gỡ băng rôn càng sớm càng tốt.

Lãnh đạo Vinasun và các hãng taxi truyền thống này cho biết, việc tài xế dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab đằng sau xe những ngày qua là hành động tự phát, không có chủ trương từ doanh nghiệp.

Hành động này có vi phạm luật cạnh tranh hay không?

Trao đổi với báo chí, TS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân BizLight nói việc dán decal phản đối đối thủ đang cạnh tranh trực tiếp là “hành động rất trẻ con”.

“Việc đưa khẩu hiệu phản đối như Vinasun được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm loại bỏ đối thủ hoặc kìm hãm sự phát triển kinh doanh của đối thủ”, vị tiến sỹ này khẳng định.

Còn theo ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, việc dán khẩu hiệu phản đối là “có dấu hiệu vô cùng rõ ràng về phạm luật cạnh tranh”.

“Nếu Uber, Grab không đúng luật, giả sử có sự không công bằng, bất bình đẳng trong điều kiện kinh doanh hoặc vi phạm luật cạnh tranh có thể kiến nghị cơ quan chức năng thậm chí khởi kiện”, ông Đức nói.

Ông Đức cho rằng, về lý không có ai cấm đoán vì đến giờ Uber, Grab không vi phạm luật.

“Không có lý do gì ngăn cản hạn chế taxi công nghệ, việc hạn chế tắc đường là việc của cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, cơ quan nhà nước đặt ra các điều kiện và giám sát, chống thất thu cũng là việc của cơ quan nhà nước”, ông Đức nói.

Taxi truyền thống kêu ca chịu thiệt

Theo ông Phạm Bình Minh, Giám đốc taxi Vạn Xuân, một trong những hãng có tài xế dán khẩu hiệu phản đối, doanh nghiệp taxi đang phải chịu quá nhiều thiệt thòi so với Uber, Grab, trong khi hình thức hoạt động như taxi.

Taxi truyền thống bị khống chế về giá cước, bị cấm ở nhiều tuyến phố, phải có logo, hệ thống tổng đài… Họ cũng phải trả nhiều khoản phí hoạt động, kê khai thuế rõ ràng. Trong khi đó, Uber, Grab không phải chịu nhiều điều kiện kinh doanh, thậm chí còn có dấu hiệu mập mờ trong việc đóng thuế.

Theo nguồn thông tin đáng tin cậy, năm 2016, số tiền thuế của các hãng taxi đã nộp ngân sách nhà nước như sau:

doanh thu thue tu cac hang taxi
(Đồ họa: Trí thức VN)

Tổng số thuế các loại thu được từ Vinasun là 551 tỷ, Mai Linh 104 tỷ, Grab 27 tỷ và Uber là 26 tỷ đồng.

Trong đó, thuế giá trị gia tăng Vinasun đóng là 243 tỷ, Mai Linh 63 tỷ, Grab là 5,8 tỷ, trong khi Uber không đóng.

Chỉ riêng Vinasun phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp là 79 tỷ đồng. Grab và Uber vì thời gian đầu thâm dò thị trường và chạy chương trình khuyến mãi nên thường xuyên bị lỗ, không phát sinh loại thuế này.

Tuy nhiên, Grab lại đóng lượng lớn thuế thu nhập cá nhân cho ngân sách với 8,7 tỷ trong năm 2016, chỉ đứng sau Vinasun 12,8 tỷ, Mai Linh là 5,6 tỷ, Uber không đóng.

Thế ba bên khó dung hòa

Trong khi ngành thuế muốn Uber, Grab đóng góp ngân sách nhiều hơn; các hãng taxi truyền thống thì yêu cầu Uber, Grab ngừng hoạt động; nhưng người tiêu dùng thì lại mong muốn sử dụng những dịch vụ giá rẻ này. Làm thế nào để dung hòa những lợi ích đầy mâu thuẫn này là bài toán đặt ra cho giới cơ quan hữu trách.

Ngành thuế ở TP.HCM đang quyết tâm truy thu số tiền thuế 66,68 tỉ đồng của Uber. Còn theo cách tính của Hiệp hội taxi Hà Nội, với doanh thu hơn 18.000 tỉ đồng, nhưng Uber và Grab chỉ đóng góp cho ngân sách vỏn vẹn 15,8 tỉ đồng là quá ít.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, chuyện phản đối của giới taxi truyền thống chỉ là một nhóm doanh nghiệp, còn người tiêu dùng và xã hội lại được hưởng lợi ích từ các dịch vụ mới của Grab, Uber mang lại.

“Cứ xem lượng người dùng đi lại thì rõ”, ông Thọ viện dẫn.

Và người tiêu dùng, như câu nói của ông Thứ trưởng, lại lên tiếng ủng hộ những Uber và Grab.

Xét trên phương diện về thuế, đa phần đều đứng về phía nhà nước, ủng hộ quan điểm Uber, Grab phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế của mình.

Nhưng trên góc độ cạnh tranh trên thị trường, đa số ý kiến lại đứng về phía Grab, Uber khi ở vai trò là người tiêu dùng, họ được hưởng những lợi ích của các hãng taxi công nghệ này mang lại.

Mặc dù đề xuất dừng thí điểm hoạt động của Grab và Uber, nhưng chính bản thân các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vinasun, Thành Công,…cũng đua nhau ra mắt ứng dụng gọi xe tương tự mô hình của các hãng taxi công nghệ.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là liệu rằng mô hình taxi công nghệ bị cho là không phù hợp, hay đơn giản đấy chỉ là mặt lobby về chính sách của các hãng taxi truyền thống, và sự kém hiệu quả, không theo kịp xu hướng công nghệ, và đặt biệt là không thể cạnh tranh nổi với Grab, Uber đã khiến Hiệp hội taxi Hà Nội đưa ra những đề nghị mang tính chủ quan và không công bằng?

Chân Hồ

Xem thêm: