Đài Loan đã yêu cầu các công ty tuyển dụng nhân sự xóa bỏ tất cả danh sách việc làm tại Trung Quốc, một động thái mạnh mẽ để ngăn chặn dòng chảy nhân tài công nghệ quan trọng chảy tới Đại lục trong bối cảnh căng thẳng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh tiếp tục gia tăng.

Embed from Getty Images

Bộ Lao động cho biết tất cả các công ty tuyển dụng nhân sự Đài Loan và nước ngoài tại quốc đảo theo nguyên tắc chung sẽ không được đăng tin tìm kiếm việc làm tại Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến những ngành công nghiệp quan trọng như vi mạch tích hợp và chất bán dẫn, theo Nikkei Asia. 

Động thái này xuất hiện khi Bắc Kinh đang mưu toan phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Đại lục – một mục tiêu đã làm tăng nhu cầu tuyển dụng đối với các kỹ sư Đài Loan. 

“Do căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, sự phát triển ngành bán dẫn của Trung Quốc đã vấp phải một số trở ngại. Vì thế, Trung Quốc trở nên hung hăng hơn trong việc câu kéo [nhân sự] với mục tiêu nhắm vào những người tài hàng đầu của Đài Loan để giúp họ xây dựng chuỗi cung ứng độc lập,” Bộ lao động đưa tin.

Các nền tảng tuyển dụng và công ty săn đầu người hiện bị cấm hỗ trợ hoặc đại diện cho bất cứ công ty nào nhằm thuê các cá nhân Đài Loan làm việc tại Trung Quốc đại lục. Những người vi phạm sẽ đối mặt với các khoản phạt của Bộ.

“Nếu việc tuyển dụng liên quan đến chất bán dẫn và vi mạch tích hợp, hình phạt thậm chí còn cao hơn,” thông báo cho biết.

Nền tảng tuyển dụng lớn nhất của Đài Loan, 104 Job Bank, đã yêu cầu khách hàng đóng các vị trí tuyển việc làm ở Trung Quốc “càng sớm càng tốt để tránh vi phạm quy định.”

 104 Job Bank xác nhận với Nikkei Asia rằng họ đang tiếp xúc với từng khách hàng qua email và điện thoại để giúp họ tránh vi phạm các quy định. Nền tảng này cho biết danh sách việc làm tại Trung Quốc đã giảm xuống một nửa kể từ tối thứ Năm, từ 3.774 vị trí xuống còn 1.872.

 

Luật mới này không chỉ áp dụng với các công ty Đại lục và nước ngoài, mà còn với cả các doanh nghiệp Đài Loan như nhà lắp ráp iPhone Foxconn và Pegatron có những cơ sở sản xuất khổng lồ ở Trung Quốc, một người phát ngôn 104 Job Bank cho biết.

Theo người phát ngôn, các công ty như Foxconn “trước tiên cũng sẽ phải xóa tất cả danh sách việc làm của họ trên nền tảng, sau đó đưa chúng trở lại dưới các công ty con ở Trung Quốc, vốn đã được Ủy ban Đầu tư Đài Loan chấp thuận cho hoạt động tại Trung Quốc”. 

Chuỗi cung ứng chất bán dẫn tối tân của Đài Loan từ lâu đã trở thành mục tiêu của Trung Quốc, nước đang tìm cách tuyển mộ tài năng từ Đài Loan nhằm đẩy mạnh tiến bộ công nghệ. 

Hơn 100 nhân viên thuộc công ty sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Đài Loan TSMC đã được các dự án sản xuất chip cho nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn thuê làm việc, bao gồm Công ty sản xuất mạch tích hợp Quanxin (Jinan), còn được gọi là QXIC và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Hongxin Wuhan (HSNC), dù công ty sau đã chấm dứt hoạt động.

Các nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu của Trung Quốc là Xiaomi và Oppo cũng đã tuyển các cựu chuyên gia về chất bán dẫn từ MediaTek Đài Loan, nhà phát triển chip di động lớn thứ hai thế giới, để thúc đẩy tham vọng về chip của họ. Luxshare-ITC, nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng hàng đầu của Trung Quốc hy vọng một ngày nào đó sẽ thách thức Foxconn, cũng đang thu hút nhân tài của Foxconn và nhà cung cấp vỏ kim loại Catcher Technology, theo Nikkei đưa tin.

Từ lâu, Trung Quốc đã coi Đài Loan dân chủ là một phần lãnh thổ của họ. Quan hệ giữa hai bên đã xấu đi sau những tranh chấp về công nghệ Mỹ – Trung. Ngành công nghiệp chip của Đài Loan đứng thứ hai chỉ sau Mỹ, và Washington đang hy vọng hợp tác với Đài Loan để ngăn chặn tiến bộ công nghệ của Bắc Kinh.

Đài Loan thời gian gần đây đã tăng cường các nỗ lực nhằm ngăn chặn chảy máu chất xám sang Đại lục, đặc biệt về chất bán dẫn. Các công tố viên Đài Loan tháng trước đã cáo buộc Công ty Công nghệ Bitmain của Trung Quốc, nhà phát triển chip khai thác tiền điện tử hàng đầu thế giới, vì đã dụ dỗ hơn 100 kỹ sư tại Đài Loan nhằm thúc đẩy năng lực về trí tuệ nhân tạo của họ. Các công tố viên đã khám xét bất ngờ bảy địa điểm tại Tân Đài Bắc và Tân Trúc, trung tâm công nghiệp chip của Đài Loan và triệu tập hơn 20 người đến thẩm vấn.

Hồi tháng Tư, cơ quan lập pháp Đài Loan đã yêu cầu Hội đồng Công tác Đại lục, Bộ Các Vấn đề Kinh tế, Bộ Lao động và Bộ Tư pháp nghiên cứu biện pháp ngăn chặn việc câu kéo người của Trung Quốc.

Ngân Hà (theo Nikkei)

Xem thêm: