UBND thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa cưỡng chế tháo dỡ nhiều căn nhà vừa mới xây dựng xong của người dân ở phường Thành Nhất với lý do xây trên đất nông nghiệp trái quy định.

nan phan lo ban nen o Dak Lak cuong che thao do nha o Dak Lak thao do nha vi pham xay tren dat nong nghiep o Dak Lak baodaklak.vn
Giới chức TP Buôn Ma Thuột cho biết việc xử lý các công trình vi phạm đã có kết luận thanh tra chậm nhất đến tháng 6/2022. (Ảnh minh họa: Nhà xây trên đất nông nghiệp ở TP BMT/baodaklak.vn)

Sáng ngày 11/5, UBND phường Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột) tiếp tục cưỡng chế, tháo dỡ 10 căn nhà vừa xây dựng xong. Hàng chục công an và lực lượng an ninh cưỡng chế đồ đạc của người dân đưa đến nơi khác – báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Tại khu vực chính quyền địa phương cưỡng chế còn có gần 30 căn nhà xây kiên cố trên những khu đất trống hoặc xen kẽ trong vườn điều, cà phê, tiêu.

Những ngôi nhà bị tháo dỡ có giá trị từ 300 triệu đến 500 triệu đồng mỗi căn và được xây dựng trên đất có quy định trồng cây lâu năm (đất nông nghiệp).

Tại khu vực này, những con đường tự mở đã được một nhóm người làm trước đó để các hộ dân đi lại và được nối thông ra đường nhựa phía ngoài.

Ngậm ngùi nhìn căn nhà mới xây ở chưa được bao lâu bị tháo dỡ, bà P.T.L. (Buôn Ky), cho biết cách nay gần 1 năm, bà đến đây và được người bán đất hứa “bao pháp lý” nên mới tin tưởng mua lô đất diện tích 10m x 30m, giá 400 triệu đồng.

“Cò đất cũng nói để được xây, phải chung chi cho phường nên tôi đã đưa thêm 40 triệu đồng để lo thủ tục, giấy tờ các thứ tôi vẫn còn giữ. Thế nhưng, vừa hoàn thiện căn nhà với chi phí 600 triệu đồng thì bị cưỡng chế”, bà L. nói, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Trong lúc tham gia chỉ thị việc tháo dỡ, ông Phan Hữu Trí, Chủ tịch UBND phường Thành Nhất cho biết mới về nhậm chức tại phường được 2 ngày và quyết định đầu tiên ông ký lại là thực hiện việc cưỡng chế 10 căn nhà xây dựng không đúng quy định.

Ông Trí cho biết những vi phạm xảy ra trước đó đã khiến Chủ tịch và Phó chủ tịch phường Thành Nhất bị cách chức. Do vậy, ông Trí và các nhân viên cần phải thực hiện việc này dù cảm thấy xót xa.

Theo lãnh đạo UBND phường Thành Nhất, tại Buôn Ky có 24 căn nhà kiên cố xây dựng trái quy định trên đất nông nghiệp nhưng thực hiện trước việc cưỡng chế 10 căn. Bên cạnh đó, việc xử lý các công trình vi phạm đã có kết luận thanh tra chậm nhất đến tháng 6/2022.

Ông Vũ Văn Hưng – Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột thừa nhận có sự móc nối, tiếp tay của chính quyền địa phương dẫn đến việc cuối cùng phải cưỡng chế các công trình vi phạm của người dân.

Ông Hưng cho rằng việc xử lý cưỡng chế như trên cũng là hệ lụy của việc phân lô bán nền, đầu cơ thổi giá đất. Điều đó cho thấy có sự tham gia của giới chức các địa phương, tạo điều kiện cho các nhóm đầu cơ, doanh nghiệp bất động sản gom đất nông nghiệp rồi phân lô, hứa hẹn sẽ chuyển sang đất thổ cư, “bao pháp lý” để bán đất nền cho người dân.

Trước đó, thông tin của nhiều dự án mới chỉ được cơ quan nhà nước đồng ý về mặt chủ trương (chưa chính thức) sớm bị rò rỉ ra ngoài khiến giá đất tăng rất cao ở tỉnh Đắk Lắk.

Theo báo Giao Thông, một số cá nhân môi giới bất động sản còn tung tin mù mờ về các dự án để rao bán đất với giá cao. Đơn cử như khi Đắk Lắk vừa có kế hoạch về việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên tại TP Buôn Ma Thuột, đã xuất hiện hàng loạt thông tin cho rằng bệnh viện sẽ được đặt tại xã Ea Tu (một xã vùng ven của TP Buôn Ma Thuột).

Tiếp theo, giới bất động sản đổ về xã này để mua bán đất, khắp đường cụt ngõ nhỏ đều treo biển bán đất từ 200-300 triệu đồng một mét ngang. Điều này khiến người dân tranh nhau bán đất, bán rẫy, kéo theo tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp diễn ra thiếu kiểm soát.

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, trong quý 1/2022, toàn tỉnh có 103.000 giao dịch mua bán đất đai, tăng gần 200% so với cùng kỳ. Giá bán đất cũng tăng cao, chủ yếu tập trung ở phân khúc đất ở gắn vườn, đất nông nghiệp ở các xã của TP. Buôn Ma Thuột và các huyện vùng ven thành phố.

Đức Minh (t/h)