Trước những lý do bị từ chối cấp đăng kiểm ô tô, một số ý kiến cho rằng quy định bắt buộc “zin” đến từng bộ phận trên xe như hiện tại khiến việc kiểm tra xe trở nên cứng nhắc. Trong khi sau thời gian dài sử dụng, việc chủ xe nâng cấp một số thiết bị nhưng không làm ảnh hưởng đến việc an toàn lưu thông thì không được cho phép. Bên cạnh đó, tần suất đăng kiểm được cho là quá nhiều và quy định chưa phù hợp thực tế.

dang kiem o to xe o to di dang kiem an toan xe o to tan suat dang kiem
Nhiều ý kiến cho rằng nên kéo dài chu kỳ đăng kiểm ô tô và cho phép nâng cấp xe theo đúng quy chuẩn an toàn kỹ thuật. (Ảnh chụp màn hình: VTC/Facebook)

Tại buổi tọa đàm về ngành đăng kiểm hôm 15/3, ông Phạm Thành Lê – Quản trị viên diễn đàn Otofun đề xuất việc kéo dài chu kỳ đăng kiểm và bỏ đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới. Bên cạnh đó, ông Lê cho rằng cần phải quy định “vùng xanh” cho việc nâng cấp xe để chú trọng vào độ an toàn hơn là độ “zin” của xe, theo Dân Trí.

Điều này không chỉ giúp giảm áp lực không đáng có cho các chủ xe, mà còn thúc đẩy ngành dịch vụ lắp ráp nâng cấp nội thất, ngoại thất ô tô trị giá hàng trăm triệu USD phát triển hơn.

Thời gian gần đây, phần lớn ô tô bị từ chối đăng kiểm là do như: nâng cấp đèn chiếu sáng trước, thay thế mặt ca-lăng, cản trước/sau hoặc lắp thêm bệ bước hay bodykit, v.v… Ở góc độ người dùng, những chi tiết này có tác dụng làm đẹp nhưng lại sai với chứng nhận kiểu loại mà nhà sản xuất đăng ký với Cục Đăng kiểm Việt Nam.

“Vì đơn vị đăng kiểm phải tuân theo các quy định nên hiện nay ô tô chủ yếu được kiểm tra về độ “zin” chứ không phải là an toàn về mặt kỹ thuật.

Nên có quy định “vùng xanh” cho việc độ xe; ví dụ như chiếc xe trước đây lắp đèn halogen, giờ chuyển sang thấu kính, nhưng nếu kiểm tra độ chụm và cường độ sáng đều đạt, không gây ảnh hưởng gì tới người đối diện, không gây mất an toàn thì nên được cho qua”, ông Thành Lê nêu ý kiến.

Ông Thành Lê cho biết sẽ tổng hợp ý kiến của các chủ xe ô tô để gửi tới Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như Cảnh sát giao thông để có thể kiến nghị cơ quan ban ngành sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng phù hợp với thực tiễn hơn.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Văn Bằng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho hay trước đây chưa có đường cao tốc, xe đi tốc độ 50km/h, mật độ giao thông không lớn, xe đi bằng đèn halogen là ổn rồi.

Nhưng nay đường cao tốc cho phép lưu thông 80 – 100km/h rồi mà bắt chủ xe sử dụng đèn halogen thì liệu có đảm bảo an toàn không? Đó mới là vấn đề, đó là sự an toàn.

Nâng cấp nhưng khi ra đăng kiểm đèn vẫn đạt độ sáng, không ảnh hưởng đến các yếu tố khác, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác thì khi ra đăng kiểm cần được công nhận.

Ông Bằng cho rằng một chiếc xe đèn đang sáng và đẹp, khi đăng kiểm phải đưa về “zin” mới đồng ý cấp giấy. Đó là chưa kể, có những bộ phận lắp trên xe từ đời 2007, 2008 hay 2010 thì bây giờ tìm mua cũng khó hoặc không có.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, phân tích: “Quy định về chu kỳ kiểm định đã được xây dựng từ hơn 20 năm. Thời điểm đó, chất lượng xe kém, phụ tùng thay thế không có, nhiều chi tiết chỉ được sửa chữa khắc phục để xe vận hành; quy định thời gian giữa 2 kỳ đăng kiểm ngắn là cần thiết để đảm bảo an toàn. Nhưng đến nay, chất lượng xe đã tốt hơn nên chu kỳ đăng kiểm giữ như vậy không còn phù hợp”, theo báo Thanh Niên.

Để khắc phục tình trạng này, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho hay đang sửa đổi các thông tư về đăng kiểm, trong đó có Thông tư 16 để đem các nội dung này ra thảo luận.

Thời gian gần đây, hàng loạt các Trung tâm đăng kiểm ở Việt Nam bị chính quyền bắt giữ lãnh đạo, đăng kiểm viên để điều tra về tội tham nhũng, nhận hối lộ,… Điều này khiến số lượng trung tâm giảm xuống thấp, các tài xế phải nằm chờ trên xe vài ngày mới đến lượt, ảnh hưởng lớn đến thời gian và đời sống người dân.

Trọng Minh