Có ý kiến cho rằng các hộ kinh doanh bản chất là doanh nghiệp siêu nhỏ, thay bằng việc khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký doanh nghiệp thì tạo một cơ chế đơn giản thông thoáng cho doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động.

Tại văn bản tiếp thu ý kiến các Bộ, Ngành, địa phương về dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Bộ KH-ĐT cho biết cho biết ý tưởng đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi xuất phát từ ý kiến của các bên tham vấn, đặc biệt là Phòng Công nghiệp và Thương Mại (VCCI).

hộ kinh doanh, luật doanh nghiệp
Bộ Luật Dân sự chỉ công nhận hai chủ thể giao dịch dân sự là cá nhân, pháp nhân chứ không có hộ kinh doanh. (Ảnh minh họa/xuanhuongho/Shutterstock)

Nhiều ý kiến trái chiều về việc đưa hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp

Trong quá trình tiếp thu ý kiến, Bộ KH-ĐT đã nhận được nhiều ý kiến yêu cầu cân nhắc việc đưa quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, Ngân hàng nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã đề nghị Bộ KH-ĐT xem lại việc bổ sung quy định hộ kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng Hộ kinh doanh không phù hợp với tên của Luật là Luật Doanh nghiệp. Hơn nữa, Bộ Luật Dân sự chỉ công nhận hai chủ thể giao dịch dân sự là cá nhân, pháp nhân chứ không có hộ kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra việc quy định quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh tại Điều 187c là chưa phù hợp đối với trường hợp hộ gia đình đăng ký thành lập hộ kinh doanh vì chưa thể hiện được quyền và nghĩa vụ của tất cả các thành viên trong gia đình.

Bộ NN-PTNT đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích cơ sở bổ sung Hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, đồng thời đánh giá tác động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các loại hình kinh tế hộ gia đình.

Trong báo cáo thẩm định Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, tuy Bộ Tư pháp đồng tình việc đưa mô hình hộ kinh doanh đưa vào dự thảo Luật nhưng cũng chỉ ra sự mâu thuẫn giữa dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Bộ luật dân sự hiện hành.

Ví dụ, tại khoản 4 Điều 187c dự thảo Luật Doanh nghiệp quy định “Trường hợp chủ hộ kinh doanh bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Toà án tước quyền hành nghề, chết, mất tích, hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động kể từ ngày xảy ra các trường hợp nêu trên“.

Tuy nhiên, theo Bộ Luật Dân sự, chủ hộ kinh doanh chỉ là một thành viên đại diện cho các thành viên trong hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì việc chủ hộ kinh doanh bị tạm giam, bị kết án tù hoặc bị Toà án tước quyền hành nghề, mất tích, hạn chế năng lực hành vi thì các thành viên khác trong hộ gia đình có thể uỷ quyền cho thành viên khác làm chủ hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh chỉ tồn tại ở Việt Nam và Trung Quốc

Thực tế, hộ kinh doanh là thực thể kinh doanh chỉ tồn tại ở Việt Nam và Trung Quốc nơi kinh tế gia đình chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Với 5,3 triệu hộ kinh doanh, tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động các hộ kinh doanh nhưng chỉ đóng góp 2% tổng thu ngân sách nhà nước. Với địa vị, trách nhiệm pháp lý không rõ ràng, hộ kinh doanh cũng là một thực thể kinh tế khó kiểm soát dưới góc nhìn của các nhà làm luật, nhà quản lý.

Bộ Luật dân sự hiện hành không công nhận hộ kinh doanh là một chủ thể giao dịch dân sự. Các giao dịch dân sự như mua bán, vay vốn của hộ kinh doanh đều phải thực hiện qua một cá nhân của hộ kinh doanh. Điều này hạn chế các hộ kinh doanh trong việc tiếp cận tín dụng, tiếp cận các ưu đãi đầu tư cũng như mở rộng sản xuất.

hộ kinh doanh, luật doanh nghiệp
Hộ kinh doanh tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động không bị ràng buộc về thủ tục đăng ký, thuế… (Ảnh: Tony Duy/Shuttertock)

Nhóm lao động trong các hộ kinh doanh được xác định là lao động phi chính thức, ít được đào tạo và không có hợp đồng lao động, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Các điều kiện bảo đảm an toàn lao động cũng không được tuân thủ.

Với những hạn chế trên, Chính phủ đã nhiều lần phát động các phong trào khuyến khích hộ kinh doanh có đủ điều kiện đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp song không có kết quả vì các hộ kinh doanh không muốn rời bỏ mô hình này. Cũng có ý kiến cho rằng các hộ kinh doanh bản chất là doanh nghiệp siêu nhỏ, thay bằng việc khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký doanh nghiệp thì tạo một cơ chế đơn giản thông thoáng cho doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động.

Cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân các hộ kinh doanh không muốn thành doanh nghiệp thực chất là vấn đề thực thi chính sách quản lý dành cho các hộ kinh doanh khá lơi lỏng, tạo nhiều lỗ hổng cho chính quyền địa phương “chung chia” với các hộ kinh doanh. Ví dụ, hộ kinh doanh có thể thoả thuận với cán bộ quản lý thuế địa phương để giảm doanh thu ước tính, từ đó giảm thuế khoán áp cho hộ kinh doanh.

Đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp để hoàn thiện đầu vào cho mô hình kinh tế chia sẻ?

Tại Phiên họp toàn thể tháng 9/2019 của Ủy ban Kinh tế lấy ý kiến Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương Mại VCCI cho rằng Hộ kinh doanh cần được khẳng định địa vị pháp lý để có thể mở rộng giao dịch với các đối tác nước ngoài, đặc biệt đón đầu trào lưu kinh tế chia sẻ và sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng kinh tế như Grab, Uber, AirBnB,…

VCCI đề nghị Luật tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần; đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp hoặc xoá bỏ hình thức hộ kinh doanh. Đồng thời đề nghị quy định địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh theo hướng hộ kinh doanh sẽ do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh như chỉ được sử dụng dưới 10 lao động, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện,…

grab
Nếu hộ kinh doanh được bổ sung thành công vào Luật Doanh nghiệp, mô hình kinh tế chia sẻ như Grab, Uber sẽ có cơ hội phát triển mạnh. (Ảnh: FiledIMAGE/Shutterstock)

VCCI và Bộ KH-ĐT cho rằng việc bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi không phát sinh tác động tiêu cực đến hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay, không phát sinh thủ tục hành chính do các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại, cũng không phải đối giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các động thái gần đây của Bộ KH-ĐT và VCCI đang thúc đẩy khung pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ, điển hình là nền tảng Grab tại Việt Nam. Nếu các hộ kinh doanh được công nhận là một hình thức kinh doanh giống như doanh nghiệp thì nền tảng công nghệ, điển hình Grab sẽ có được đầu vào đối tác rất phong phú và hợp pháp. Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên lo ngại một cuộc chiến pháp lý mới sẽ nổ ra trên diện rộng giữa các doanh nghiệp truyền thống với các hộ kinh doanh siêu nhỏ gắn với nền tảng công nghệ bởi lẽ các hộ kinh doanh siêu nhỏ vẫn đang được hưởng ưu đãi về thuế, quản lý lơi lỏng. Đồng thời, khối lao động trong các hộ kinh doanh sẽ khó có thể tiếp cận được các chuẩn mực lao động tiêu chuẩn.

Tiến trình làm luật doanh nghiệp sửa đổi đang ở công đoạn nào?

Nằm trong Chương trình xây dựng Pháp luật năm 2019, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ được cho ý kiến tại hai kỳ họp. Nếu thuận lợi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ lấy ý kiến lần thứ các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp 8 (tháng 10/2019) và lấy ý kiến lần 2 tại Kỳ họp 9 (tháng 5/2020).

Tại Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thứ 38 cho ý kiến về Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đa số các thành viên UBTVQH đều không nhất trí việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy chế làm việc của Quốc hội là quyết định theo đa số nên kết quả vẫn phụ thuộc vào ý kiến của 500 đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp.

Tuệ San

Xem thêm: