Theo cách tính hiện tại, GDP đầu người Việt Nam chưa tới 2.600 USD/người/năm. Còn theo cách tính GDP mới, GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm hơn 400 USD, vào khoảng 3.000 USD/năm.

tính lại GDP, năng suất lao động
Theo cách tính GDP mới, GDP/người sẽ tăng thêm hơn 400 USD, vào khoảng 3.000 USD/năm. Mặc dù vậy, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực. Ảnh: Ngư dân ở một làng chài tại Vũng Tàu, ngày 20/7/2018. (Ảnh: Shutterstock)

‘Quy mô GDP mới’

Tại hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia sáng 7/8, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết cơ quan này đã hoàn tất và sắp công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo cách tính mới, GDP/người sẽ tăng lên khoảng 3.000 USD/năm (năm 2018), thay vì 2.590 USD/người/năm theo cách tính hiện đang áp dụng.

Số liệu cụ thể về quy mô GDP của nền kinh tế Việt Nam theo cách tính mới chưa được ông Lâm cung cấp.

Tuy nhiên, ông Lâm khẳng định “đánh giá lại quy mô GDP không phải là cách tính mới”. Ông Lâm cho biết hiện áp dụng 3 phương pháp, gồm: phương pháp sản xuất, sử dụng và thu nhập. Trong đó, phương pháp sản xuất và sử dụng được áp dụng theo quý, còn phương pháp thu nhập áp dụng 5 năm một lần. “Chúng tôi vẫn dùng phương pháp cũ để tính toán nhưng có sự rà soát lại”, ông Lâm nói.

Trước con số GDP/người tăng cao hơn 400 USD/người/năm, Tổng cục Thống kê cho biết GDP được điều chỉnh tăng chủ yếu bởi 4 nguyên nhân: bổ sung thông tin từ tổng điều tra; bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính; cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008; và rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế.

Đơn cử, 76.000 doanh nghiệp sẽ được tính thêm vào quy mô GDP. Theo ông Lâm, số doanh nghiệp này thuộc 2 nhóm: (1) doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng lâu nay không cung cấp số liệu cho cơ quan thống kê; (2) doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nhưng Tổng cục Thống kê chưa cập nhật số liệu đầy đủ (đã có trong danh sách của Tổng cục Thuế).

Lần đánh giá này chưa thống kê khu vực kinh tế ngầm hay kinh tế bất hợp pháp, ông Lâm cho hay.

Được biết, những chỉ tiêu, số liệu của “quy mô GDP mới” sẽ được sử dụng làm cơ sở để đưa ra các định hướng, chính sách cho Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021 – 2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025).

GDP/người, thu nhập bình quân đầu người, và năng suất lao động

Theo TS. Vũ Thanh Liêm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (1), GDP/người phản ánh kết quả sản xuất tính bình quân đầu người trong một năm. Chỉ số này không phải là thu nhập bình quân đầu người – mặc dù thường bị nhầm lẫn. Thu nhập bình quân đầu người phản ánh “mức thu nhập và cơ cấu thu nhập của các tầng lớp dân cư”, được tính toán trên cơ sở cuộc khảo sát mức sống dân cư hộ gia đình (do Tổng cục Thống kê điều tra định kỳ 2 năm/lần).

GDP/người và thu nhập bình quân đầu người chỉ có một yếu tố trùng nhau là thu nhập của người lao động (thu từ sản xuất). Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người không bao gồm thuế sản xuất (thu của nhà nước) và khấu hao tài sản cố định, thặng dư sản xuất (thu của doanh nghiệp), nhưng thu nhập bình quân đầu người lại bao gồm cả phần thu nhập từ sở hữu và chuyển nhượng.

Khác với mối liên hệ gián tiếp với thu nhập bình quân đầu người, GDP/người có mối liên hệ trực tiếp với năng suất lao động. Theo cách tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động bằng tổng thu nhập trong nước (GDP (*)) chia cho số lao động làm việc trong nền kinh tế.

(*) Theo TS. Vũ Thanh Liêm, dưới các góc độ khác nhau, GDP mang ý nghĩa và nội dung khác nhau.

Xét về góc độ sử dụng (chi tiêu), GDP là tổng cầu của nền kinh tế, bao gồm: tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ, tích lũy tài sản và chênh lệch xuất – nhập khẩu.

Xét về góc độ thu nhập, GDP gồm thu nhập của người lao động, thuế sản xuất, khấu hao tài sản cố định dùng cho sản xuất và giá trị thặng dư sản xuất trong kỳ.

Xét về góc độ sản xuất, GDP bằng giá trị sản xuất trừ đi chi phí trung gian.

Từ các góc độ khác nhau, GDP được tính theo 3 phương pháp khác nhau, gồm: phương pháp sản xuất, phương pháp sử dụng cuối cùng và phương pháp thu nhập.

Nói cách khác, GDP bằng năng suất lao động nhân với tổng số lao động làm việc. Điều này có nghĩa, trong điều kiện tổng số lao động không thay đổi, GDP tăng khi năng suất lao động tăng.

Cần con số GDP lớn hay cần nền kinh tế có thực lực?

Theo cách tính hiện tại, nền kinh tế Việt Nam năm 2018 có quy mô khoảng 5,5 triệu tỷ đồng (hơn 240 tỷ USD).

Tổng cục Thống kê cho hay với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt trên 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động). Tính theo giá so sánh, chỉ số này tăng 6% so với năm 2017.

Bình quân giai đoạn 2016 – 2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011 – 2015. Tính chung giai đoạn 2011 – 2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đánh giá năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng lưu ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, tính theo sức mua tương đương (PPP) 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2018 đạt 11.142 USD, chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia và bằng 55,9% năng suất lao động của Philipines. 

Tính theo PPP 2011, năng suất lao động mỗi giờ làm việc của Việt Nam đạt khá thấp so với một số nước trong khu vực, năm 2015 chỉ đạt 4,4 USD, trong khi Malaysia đạt 24,9 USD; Thái Lan đạt 12,1 USD; Indonesia đạt 12 USD; Philippines đạt 8,4 USD.

Nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp, theo Tổng cục Thống kê, do quy mô nền kinh tế nhỏ; dịch chuyển lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang công nghiệp, dịch vụ chậm trong khi lao động chuyển từ nông nghiệp chủ yếu lại sang công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ lạc hậu; chất lượng lao động thấp; năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp bất cập; khu vực doanh nghiệp chưa đóng vai trò chủ đạo. 

Yếu tố nhân lực và cơ chế quản lý rõ ràng là “điểm nghẽn” trong việc thay đổi năng suất lao động của Việt Nam. Trong khi thay đổi cơ chế quản lý đòi hỏi cải cách về mô hình quản trị, thì việc nâng chất lượng nguồn nhân lực – lao động thiếu năng lực làm việc, thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, sáng tạo, thái độ làm việc – ít phụ thuộc vào ý chí chính trị, song không thể chỉ dừng ở lý thuyết cải cách suông hay trông chờ vào việc đào tạo lại tại các doanh nghiệp.

Theo Th.s Nguyễn Anh Bắc (2), một số tổ chức quốc tế đánh giá 80% nhân viên văn phòng ở Việt Nam thiếu kỹ năng; tỷ lệ này ở lao động kỹ thuật, lao động phổ thông là 83% và 40%. Tại Hội thảo Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với ILO tổ chức tại Hà Nội (tháng 11/2014), bà Nicola Connolly, Chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, phàn nàn lao động Việt Nam quá thiếu các kỹ năng mềm phục vụ công việc, hầu hết các doanh nghiệp Châu Âu phải đào tạo lại trước khi sử dụng.

Theo Th.s Bắc, khi các doanh nghiệp nước ngoài kêu ca lao động Việt Nam thiếu kỹ năng mềm thì chắc chắn nền giáo dục – đào tạo đang có khiếm khuyết, cần thay đổi về căn bản mới đáp ứng được yêu cầu. Đuổi theo lợi thế “nhân công giá rẻ” khiến Việt Nam mất nhiều hơn được. Không chỉ phụ thuộc vào dòng đầu tư FDI để tạo việc làm, Việt Nam còn phải trả giá bằng môi trường mà chưa có thống kê cụ thể nào. Một thống kê năm 2014 (3) cho biết tỷ lệ chuyển giao công nghệ của các dự án FDI tại Việt Nam chỉ 5% là công nghệ cao, 10% giá trị nội địa, công nghệ kém, lạc hậu chiếm đến 70%.

TS. Nguyễn Hữu Xuyên, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN) (4) cho biết tỷ lệ nhóm ngành sử dụng công nghệ cao của Việt Nam chỉ đạt khoảng 20%, tỷ lệ này của Thái Lan là 31%, Singapore là 73%, Malaysia là 51% (tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hoá, hiện đại hóa là trên 60%).

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào thâm dụng vốn, lao động. Tỷ lệ đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trong khu vực đạt trên 50% như Thái Lan (53%), Hàn Quốc (51,5%), Trung Quốc (52%). Tỷ lệ này tại Việt Nam chỉ khoảng 40%.

Vĩnh Long

Chú thích:

  1. Báo Đầu tư, Phân biệt GDP/người và thu nhập bình quân đầu người, 16/3/2014
  2. Th.s Nguyễn Anh Bắc, Năng suất lao động ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 5 (90) – 2015
  3. Báo Đất Việt, Thu hút FDI: Việt Nam nên học bài Trung Quốc?, 13/08/2014
  4. Báo Dân trí, Chuyển giao công nghệ: FDI chơi riêng, chỉ doanh nghiệp Việt “thương lấy nhau”, 26/6/2018

Xem thêm: