Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP. Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng cao, Việt Nam cần phải có những chính sách ưu đãi, kích thích doanh nghiệp hạ thấp chi phí, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, dự thảo chính sách của các bộ, ngành chức năng gần đây có thể không đạt được mục đích này.

thue
(Ảnh: vietnamplus.vn)

Ngày 6/6/2017, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 26/CT-TTg Về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong đó Thủ tướng cũng yêu các bộ ngành liên quan xây dựng các văn bản pháp luật hoặc triển khai các chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Chỉ thị cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các khoản phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp để xem xét giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.

Trong tháng 7/2017, NHNN đã hạ lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm nhằm mục đích kích thích tăng trưởng kinh tế, với tham vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017.

Mặc dù việc hạ lãi suất này được nhiều chuyên gia khuyến cáo là có thể làm tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng và cần có thêm thời gian để đánh giá hiệu quả thực tế mà chính sách hạ lãi suât này mang lại cho các doanh nghiệp, nhưng đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp hy vọng vay được nguồn vốn với chi phí thấp hơn nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh và tạo đà tăng trưởng trong dài hạn.

Tuy nhiên, tại dự thảo mới về thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có đề xuất việc đánh thuế lãi vay của doanh nghiệp.

Theo đó, phần chênh lệch của các khoản lãi vay vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu (đối với khối DN sản xuất) và vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu (đối với các lĩnh vực còn lại) sẽ không được tính vào chi phí lãi vay hợp lý, tức là sẽ không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Với quy định này, các doanh nghiệp vay vốn lớn có thể phải nộp thuế thu nhập tăng lên và do vậy sẽ làm hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, việc quy định khống chế chi phí lãi vay này nhằm giữ an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp và chống chuyển giá.

Về mục đích đảm bảo an toàn hoạt động cho vay của doanh nghiệp. Trên thực tế, các doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng đều phải trải qua quá trình thẩm định, xét duyệt của các ngân hàng thương mại. Doanh nghiệp để được cấp vốn vay thì cần phải có phương án kinh doanh khả thi và đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn tài chính của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc khống chế chi phí lãi vay này cũng đã được quy định tại Khoản 2 điều 4 thông tư 96/2015/TT-BTC. Trong đó, với các khoản vay doanh nghiệp vay từ cá nhân (không phải tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế) có lãi suất vượt quá 150% lãi suất của ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm vay thì phần lãi suất chênh lệch này không được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Việc Bộ Tài chính đưa thêm quy định về khống chế tỷ lệ vay sẽ tạo thêm nhiều quy định trói chân doanh nghiệp. Đồng thời doanh nghiệp có thể lách quy định này bằng cách chia nhỏ các khoản vay vốn để không bị vi phạm tỷ lệ khống chế.

Đối với mục đích chống chuyển giá, quy định này có thể không đạt được hiệu quả tối ưu, bởi hoạt động chuyển giá chủ yếu diễn ra trong các công ty liên kết, đặc biệt là các công ty có chi nhánh ở nước ngoài.

Ngoài ra, để chuyển giá, các công ty có nhiều cách thức thực hiện chuyển giá như định giá cao tài sản cố định, tăng chi phí khấu hao nhà xưởng máy móc, bán hàng hóa dịch vụ cho công ty liên kết với mức giá thấp hơn giá thị trường.

Việc khống chế khoản vay không vượt quá vốn chủ sở hữu chỉ ở tỷ lệ 4 hoặc 5 lần cũng không phù hợp, bởi mỗi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đều có đặc thù riêng. Vì vậy nhu cầu và quy mô vay vốn sẽ khác nhau theo từng ngành.

Như vậy, quy định về khống chế chi phí lãi vay của doanh nghiệp sẽ có thể chồng chéo với các quy định khác do Ngân hàng nhà nước đưa ra, đồng thời làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp.

Ngọc Hằng

Xem thêm: