“Không phải chết là hết nghĩa vụ đóng thuế mà người thừa kế vẫn phải nộp”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Luu Binh Nhuong
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: Quochoi)

Tại phiên thảo luận Kinh tế – Xã hội Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 vào ngày 26/5, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng “không thể xóa nợ cho người đã chết.”

Theo ông Nhưỡng, Bộ Tài chính cần rà soát và xác định rõ người nợ thuế nào đã mất thì người thừa kế vẫn phải nộp thuế. Bởi theo Luật Thừa kế, không phải chết là hết nghĩa vụ nộp thuế.

“Chết không có nghĩa là chúng ta hoàn toàn xóa khoản nợ. Đây không chỉ là tiền ngân sách, còn là ý thức kỷ luật”, ông Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nói.

Trước đó, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ thuế cho một số người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, hay doanh nghiệp giải thể, phá sản… để đảm bảo phản ánh đúng thực chất số nợ thuế, minh bạch trong quản lý thuế.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tỷ lệ nợ thuế đang ở mức cao, trên 7%.

>> Bộ trưởng Tài chính: Chưa tăng thuế VAT, tiếp tục nghiên cứu thuế Tài sản

Tổng số tiền nợ thuế tính đến thời điểm 30/4/2018 là gần 82.880 tỷ đồng, tăng hơn 9.700 tỷ đồng so với cuối năm 2017.

Trong đó, nợ thuế không có khả năng thu hồi hơn 32.000 tỷ đồng, chiếm hơn 38% tổng số tiền nợ thuế.

Bên cạnh đó, còn có các khoản tiền phạt và tiền chậm nộp khoảng hơn 15.000 tỷ đồng cũng là những khoản nợ thuế khó thu hồi.

“Đây là các khoản nợ thuế của các đối tượng đã chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể, không còn tài sản để thu hồi nhưng chưa được xóa và theo quy định vẫn đang bị tính phạt chậm nộp hàng ngày nên số nợ càng ngày càng tăng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Hiện đề xuất xóa nợ thuế cho các đối tượng nêu trên của Bộ Tài chính vẫn chưa được Quốc hội thông qua vì lo ngại việc xóa nợ sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nộp thuế.

Tường Văn (T/h)