Câu hỏi khiến dư luận quan tâm là tại sao lại khai tử hết xăng A92 đến lượt xăng A95 chỉ để bán một loại xăng mà chất lượng và các tác động môi trường còn chưa rõ ràng và chưa được kiểm chứng?

xang sinh hoc, xang E5
Nếu xăng A95 tiếp tục bị “bức tử”, người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác ngoài xăng E5. (Ảnh: PVoil)

Người tiêu dùng cần một lời giải thích thỏa đáng

Sau bức tử xăng A92 thành công, đến lượt xăng A95 tiếp tục bị đề xuất dừng bán chỉ để lưu thông một loại xăng E5 duy nhất trên thị trường.

Đây là kiến nghị vừa được Saigon Petro đưa ra trong cuộc họp của Bộ Công thương vào cuối tháng 4 vừa qua.

Ý kiến của Saigon Petro nhận được sự đồng tình của nhiều đại diện doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao đề xuất này và khẳng định sẽ tổng hợp nhanh để báo cáo Lãnh đạo Chính phủ.

Câu hỏi khiến dư luận quan tâm là tại sao lại khai tử hết xăng A92 đến lượt xăng A95 chỉ để bán một loại xăng mà chất lượng và các tác động môi trường còn chưa rõ ràng và chưa được kiểm chứng?

Lúc Bộ Công thương kiến nghị khai tử xăng A92, Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng từng lên tiếng cho rằng chất lượng xăng E5 của Việt Nam chưa thực sự đảm bảo, trong khi người dân đang sử dụng loại xăng vẫn là mặt hàng thông thường trên thế giới.

Cho đến hiện tại, không hề có một giải thích thỏa đáng nào được đưa ra cho việc đề xuất khai tử xăng khoáng A92 và A95 khỏi thị trường.

Đích đến của chính sách là các nhà máy Ethanol?

Việt Nam có đến 7 nhà máy sản xuất Ethanol, trong đó có 4 nhà máy nhập khẩu và sử dụng công nghệ từ Trung Quốc, 3 nhà máy còn lại dù sử dụng công nghệ của các nước phát triển nhưng vẫn nhập thiết bị từ Trung Quốc.

Đáng nói, phần lớn các nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất hoặc trong tình trạng cầm chừng. Các nhà máy này đều có số tiền đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, hoạt động không hiệu quả khiến gánh nặng lãi vay, hao mòn tài sản cứ tích lũy đều vào khoản mục thua lỗ.

Trong tình huống đó, việc thúc đẩy tiêu thụ xăng E5 đã được đưa lên làm tiêu chí hàng đầu. Bởi một khi xăng E5 được tiêu thụ mạnh, các nhà máy sản xuất Ethanol đang đắp chiếu vì thua lỗ bỗng dưng có được đầu ra ổn định.

>> Thay thế xăng A92 bằng E5: Gỡ khó cho các nhà máy nhiên liệu sinh học?

Để đẩy mạnh tiêu thụ xăng E5, Bộ Công thương cưỡng chế khai tử hai loại xăng khoáng A92 (A95 đang trong tầm ngắm) ra khỏi thị trường, người tiêu dùng không còn sự lựa chọn và buộc phải làm “khách hàng bất đắc dĩ” của loại xăng có thành phần được làm từ Ethanol này.

Phép thử đã thành công đối với xăng A92, mặc dù dư luận còn nhiều bức xúc. Đến bây giờ, sau khoảng thời gian “hoãn binh” cần thiết, rất có thể thời gian tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục nước đi táo bạo hơn với đề xuất loại bỏ xăng A95 ra khỏi thị trường, đưa xăng E5 trở thành loại xăng duy nhất được lưu hành.

Đằng sau những nhà máy sản xuất Ethanol này là ai?

Xét về mặt thị trường, việc đưa ra biện pháp hành chính để “khai tử” xăng A92, giờ đến lượt xăng A95 trong khi các sản phẩm này không có lỗi và vẫn được người dùng đón nhận tốt là một biện pháp đi ngược lại quy luật thị trường.

Vậy điều gì đã khiến Bộ Công thương và các nhà hoạch định chính sách, những người lẽ ra phải hiểu rất rõ về kinh tế thị trường lại đi ngược lại và can thiệp “thô bạo” vào thị trường đến vậy?

Trong số 7 nhà máy sản xuất Ethanol hiện tại có 3 nhà máy là do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, bao gồm: Nhà máy Ethanol Tam Nông (Phú Thọ) mới chỉ hoàn thành giai đoạn thi công mà chưa được đưa vào sản xuất; Nhà máy Ethanol Bình Phước và Nhà máy Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi) đều từng tạm dừng hoạt động trong thời gian dài và mới chỉ được khởi động lại vào đầu năm 2018.

Tổng vốn đầu tư của 3 nhà máy trên là hơn 6.000 tỷ đồng, tuy nhiên chúng đều thuộc danh sách các đại dự án thua lỗ, đắp chiếu của Bộ Công thương.

no cong
Dự án Ethanol Phú Thọ, một trong 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công Thương, vừa được cho phá sản để xử lý thua lỗ. Ảnh: Nhà máy Ethanol Phú Thọ bị bỏ hoang sau khi nhà thầu PVC dừng thi công. (Ảnh: poshaco.com)

Hai nhà máy sản xuất Ethanol khác là nhà máy Ethanol Đồng Nai (sản lượng 6.000 m3/tháng) và Ethanol Quảng Nam (sản lượng 10.000 m3/tháng) là nơi cung cấp nguyên liệu chủ yếu E100 dùng để phối trộn xăng E5.

Cả hai nhà máy này đều thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tùng Lâm. Đáng chú ý, ông chủ của Công ty Tùng Lâm chính là ông Võ Kiên Chỉnh – Phó Chủ tịch đồng thời là sáng lập viên của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam.

Bốn nhà máy tư nhân khác nhập khẩu công nghệ Trung Quốc cũng thua lỗ nặng gồm có:

  • Nhà máy sản xuất Ethanol Đại Tân (Quảng Nam) do Công ty CP Đồng Xanh làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 575 tỷ đồng. Sau khi đưa vào hoạt động đến năm 2012 nhà máy dừng hoạt động do bị lỗ lũy kế hơn 100 tỷ đồng.
  • Nhà máy Ethanol Đại Việt (Đắc Nông) có vốn đầu tư 500 tỷ đồng đi vào hoạt động từ năm 2011, nhưng dừng sản xuất từ tháng 4/2013 vì thiếu vốn hoạt động. Giám đốc nhà máy là ông Nguyễn Trọng Toàn. Nhà máy từng bị UBND tỉnh Đắk Nông phạt 115 triệu đồng vì xả thải trái phép ra môi trường gây ô nhiễm.
  • Nhà máy Ethanol Đăk Tô (Kon Tum) do CTCP Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi đầu tư khoảng 700 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào sản xuất từ tháng 11/2011, nhưng sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn để pha chế xăng E5 nên bị các công ty hủy hợp đồng.
  • Nhà máy Ethanol Tùng Lâm (Đồng Nai) với tổng vốn đầu tư hơn 928 tỷ đồng, sau thời gian ngắn đưa vào hoạt động cũng phải tạm dừng từ năm 2011.

Nên để thị trường cạnh tranh lành mạnh

Trong khi các nhà máy Ethanol Việt Nam chưa cho thấy hiệu quả về mặt hoạt động, việc đưa ra các chính sách “mở đường” cho những nhà máy này tránh tình trạng thua lỗ và đang hấp hối là một giải pháp chưa chắc mang lại hiệu quả, bởi nó sẽ tạo thành thói quen ỉ lại vào bao cấp.

Bên cạnh đó, giải pháp “bức tử” xăng A92, rồi bây giờ là xăng A95 để chỉ bán xăng E5 là đi ngược lại quy luật cung cầu và gây bức xúc không đáng có trong dư luận.

Theo các chuyên gia, nên để thị trường cạnh tranh khách quan lành mạnh, không nên bao cấp theo kiểu ép dừng bán xăng A92, A95 chỉ để giải cứu các nhà máy sản xuất Ethanol đang thua lỗ của Bộ Công thương?

Chỉ khi đó, các nhà máy sản xuất Ethanol sẽ phải tìm cách thích nghi và hoạt động đúng nguyên tắc thị trường, tự cải tiến và tiết giảm chi phí để hạ giá thành, đảm bảo tính hiệu quả và được thị trường chấp nhận.

Chân Hồ (T/h)

Xem thêm: