Ngày 24/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VHTT&DL) đã tổ chức buổi hội thảo với các bộ, ngành liên quan nhằm tìm ra thời điểm thích hợp để mở cửa hoàn toàn đối với thị trường du lịch Việt Nam với nhiều ý kiến đẩy thời gian mở cửa hoàn toàn với du khách quốc tế từ tháng 2/2022 thay vì đến tháng 5/2022. Trên thế giới, nhiều nước đã bắt đầu “tháo khóa” cho thị trường du lịch bằng cách gỡ bỏ các lệnh hạn chế không cần thiết, trừ Trung Quốc vẫn đang áp dụng zero-COVID.

msg1549249534 74795 1
Khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) vắng khách du lịch những ngày gần Tết Nguyên Đán 2022. Ảnh chụp ngày 25/1/2022. (Ảnh: Trí Thức VN)

Bộ VHTT&DL Việt Nam thảo luận về thời điểm mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch quốc tế

Mới đây, Bộ VHTT&DL Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế” nhằm lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan về thời điểm mở cửa hoàn toàn thị trường du lịch Việt Nam.

Tại Hướng dẫn số 4122 ngày 5/11, Bộ VHTT&DL công bố thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam theo lộ trình 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 – 31/12/2021 – du lịch trọn gói tại 5 tỉnh thành; giai đoạn 2 từ tháng 1/2022 – du lịch trọn gói kết hợp mở rộng địa điểm du lịch; giai đoạn 3 chưa xác định thời điểm với mục tiêu mở cửa hoàn toàn.

Tại buổi hội thảo vào ngày 24/1, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết từ nay đến ngày 30/4/2022 sẽ tiếp tục chương trình thí điểm đón khách quốc tế giai đoạn 2; giai đoạn 3 từ ngày 1/5/2022 sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế.

Trước đề xuất trên, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể mở cửa sớm hơn ngay trong tháng 2/2022, thay vì theo dự tính đến tháng 5/2022.

Ông Đinh Việt Sơn – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết: “Bộ Giao thông vận tải ủng hộ việc mở cửa du lịch quốc tế luôn từ đầu tháng 2/2022. Tuy nhiên, hiện nay, một vấn đề vướng mắc với chuyến bay quốc tế thường lệ và các chuyến bay khác là ngoài chứng nhận xét nghiệm âm tính PCR, trước và sau khi xuống máy bay, du khách còn phải thực hiện test nhanh. Các nhà ga ở những nước khác không thực hiện việc test nhanh tại sân bay bởi dễ gây tình trạng tắc nghẽn. Nếu chúng ta vẫn giữ quy định như vậy, việc tổ chức bay sẽ rất vất vả, khách du lịch sẽ thấy rắc rối”.

Theo ông Sơn, không nên tổ chức xét nghiệm ở sân bay nữa mà thực hiện test ở nơi lưu trú cho khách du lịch quốc tế.

Cũng tại buổi hội thảo, ông Trương Gia Bình – Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân khẳng định thật vô lý nếu không mở cửa du lịch hoàn toàn. Ông cho biết: “Có mở hay không mở thì tình hình dịch bệnh cũng như vậy”. Việc đón khách quốc tế hoàn toàn không ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh ở Việt Nam.

Với tình hình hiện tại, ông Bình nhấn mạnh: “Không mở cửa du lịch quốc tế sớm thì ai cung cấp việc làm cho 2,5 triệu người trong ngành du lịch và nhiều triệu người liên quan khác. Nhiều doanh nghiệp hiện đang ‘đau nặng’, đã hết sức chịu đựng. Chúng ta sẽ bỏ mất cơ hội nếu không mở cửa du lịch bây giờ”.

Ông Trịnh Hồng Quang – Phó tổng giám đốc hãng Hàng không Vietnam Airlines đề nghị Bộ VHTT&DL trình Thủ tướng thời điểm mở cửa đón khách ngay từ 1/2/2022 để các doanh nghiệp kịp chuẩn bị thị trường. Ông Quang cho hay: “Muốn có khách du lịch vào tháng 5, tháng 9 thì ngay từ giờ, chúng ta phải công bố để khách các nước chuẩn bị. Chúng tôi đồng ý kiến nghị không cách ly khách du lịch. Cần có quy trình y tế thống nhất để xử lý các trường hợp F0, từ việc cách ly ở đâu, chữa trị thế nào để khách quốc tế yên tâm”.

msg1549249534 74796
Khu vực sầm uất bậc nhất Hà Nội – Số 1 phố Bà Triệu, Quận Hoàn Kiếm bị đóng cửa ngay trong thời gian gần Tết Nguyên Đán 2022. Ảnh chụp ngày 25/1/2022. (Ảnh: Trí Thức VN)

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh – Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock cho rằng việc đóng cửa không đồng nghĩa giảm được dịch lây lan. Trên thực tế, Việt Nam đã từng đóng cửa để biến thể Omicron không vào Việt Nam nhưng hiện nay Omicron đã xuất hiện ở Việt Nam rồi.

Bà Thu Anh cho rằng Việt Nam có thể mở cửa sớm hơn, không nên theo đuổi chính sách “Zero-COVID”. Việt Nam cần tăng cường năng lực chữa trị y tế, không phải là căng dây khắp mọi nơi. Bên cạnh đó, bà Thu Anh đề xuất khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không cần mặc trang phục bảo hộ màu xanh và được ứng xử như khách nội địa.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết cần có các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh với sự chuẩn bị tốt về năng lực điều trị, tiêm chủng vắc-xin là cần thiết và thống nhất quy trình xét nghiệm. Việc mở cửa sớm hay muộn của từng nước phụ thuộc vào điều kiện phòng ngừa dịch của mỗi quốc gia đó. Vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp thu ý kiến để chuẩn bị lộ trình mở cửa từng bước phù hợp.

Ông Lương Thanh Quảng – Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết khách du lịch rất sợ chính sách thay đổi quá nhiều. Ông Quảng cho biết khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cần phải lên kế hoạch trước vài tháng. Trước lúc lên máy bay là một chính sách này, sau khi xuống máy bay có chính sách khác. Điều này khiến khách du lịch quốc tế không yên tâm, do vậy cần thống nhất cách quản lý khách du lịch từ Trung ương đến địa phương.

Sau buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL – ông Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đề xuất mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế và sớm công bố rộng rãi thời điểm mở cửa hoàn toàn của Việt Nam.

Nhiều nước trên thế giới đang bắt đầu có động thái gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh hạn chế đi lại, trừ Trung Quốc

Tại nước Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 19/1 tuyên bố các hạn chế chống dịch COVID-19 tại quốc gia này sẽ chính thức được hủy bỏ từ tuần sau, dựa trên nhận định từ giới chức y tế Anh rằng làn sóng nhiễm biến thể Omicron tại Anh đã đạt đỉnh và COVID-19 đang ngày càng có xu hướng trở thành bệnh đặc hữu, theo đó, người dân sẽ sống chung với virus corona.

Tại Ireland, nước này hiện đang chuẩn bị gỡ bỏ hầu như tất cả các quy định hạn chế COVID-19 một cách nhanh chóng. Được biết, Ireland có tỉ lệ mắc COVID-19 cao thứ 2 ở Châu Âu chỉ trong tuần trước nhưng cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm liều vắc-xin bổ sung cao nhất châu lục.

Tại Thụy Điển, ngày 18/1, chính phủ nước này thông báo rằng các du khách sẽ không còn phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 khi nhập cảnh.

Tại Thụy Sĩ, Bộ trưởng Y tế Alain Berset đã báo hiệu rằng việc sử dụng hệ thống chứng chỉ COVID-19 gây tranh cãi của nước mình có thể sẽ sớm chấm dứt, bởi cách đáp ứng của cộng đồng đối với đại dịch dường như đã “đi đúng hướng”. Chứng chỉ COVID-19 đã được sử dụng ở Thụy Sĩ từ tháng 7/2021. Tuy nhiên, ông Berset đã đề xuất vào hôm 22/1 vừa qua rằng có thể đã đến lúc phải loại bỏ hệ thống này.

Nguyên nhân mà Chính phủ những nước trên đưa ra quyết sách mới là bởi các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, xuất trình Thẻ Xanh thông hành,… không còn mang lại nhiều hiệu quả trong tình hình dịch bệnh hiện nay.

Trái ngược với tình hình chung của thế giới, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn kiên trì chính sách zero-COVID, mặc dù chính sách này gây nhiều tranh cãi.

Ông Chi Vĩ (Zhu Wei), Giám đốc y tế của một công ty dược phẩm Mỹ, nói với Thời báo The Epoch Times rằng việc ĐCSTQ áp dụng các chính sách “zero-COVID” cực đoan này cho thấy họ thực sự không tin tưởng vào vắc-xin nội địa của chính Trung Quốc.

Các nhà phân tích và nhà quản lý sản xuất đã cảnh báo rằng chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc với tham vọng ngăn chặn biến thể Omicron có nguy cơ bóp nghẹt chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã kéo dài, đe dọa hoạt động sản xuất của các loại hàng hóa từ điện thoại thông minh đến đồ dùng gia đình.

Ông Didier Chenneveau, một đối tác chuyên gia của công ty tư vấn McKinsey cho biết: “Khoảng thời gian này, tôi lo ngại hơn vì các chuỗi cung ứng trên khắp thế giới đã rất căng thẳng: việc vận chuyển đã bị trì hoãn kéo dài và tình trạng thiếu phụ tùng vẫn tồn tại.”

Các nhà sản xuất ô tô Volkswagen và Toyota đều đã đóng cửa nhà máy ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc đầu tháng 1. Tại thành phố Tây An, nhà sản xuất chip Samsung đã phải vật lộn để có được nhân viên làm việc vì việc phong tỏa.

Vào tối ngày 19/1/2022, ‘gã khổng lồ’ bất động sản CFLD (China Fortune Land Development) của Trung Quốc đã đưa ra thông báo đầu tiên trong năm 2022 về vấn đề nợ nần đầy nguy cơ của tập đoàn này. Thông báo của CFLD cho biết: “Công ty có tổng số ‘nợ tài chính’ là 219,2 tỷ RMB (nhân dân tệ), cho đến nay tổng các khoản nợ tích lũy chưa được hoàn trả theo kế hoạch là 93,556 tỷ RMB”.

Vấn đề dịch COVID-19 bùng phát ở Bắc Kinh và Hà Bắc cùng với chính sách zero-COVID mà nhà cầm quyền Trung Quốc đang áp dụng đã khiến hoạt động kinh doanh của CFLD ngưng trệ và rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Quang Minh – Phan Anh

Xem thêm: