Khaisilk bán hàng Trung Quốc; Người tiêu dùng vỡ mộng mua ô tô giá rẻ, Grab chỉ đóng thuế chưa bằng 1/100 doanh nghiệp taxi trong nước; Khối DNNN tiếp tục làm ăn thua lỗ, nền kinh tế đối diện nhiều thách thức… là những tin kinh tế nổi bật trong tuần qua.

tong hop tin kinh te tuan 43

Tin kinh tế Việt Nam

  • Vỡ mộng mua ô tô giá rẻ vì quy định mới. Dù thuế suất nhập khẩu ô tô có giảm về 0%, người Việt Nam cũng khó có thể mua được được ô tô giá rẻ vì quy định vừa mới được ban hành.
    Cụ thể, từ ngày 17/10/2017,  Thủ Tướng vừa mới ký ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, liên quan đến các quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô. Theo đó, kinh doanh ô tô nhập khẩu sẽ phải chịu những quy định ngặt nghèo, khiến cho ô tô nhập khẩu khó tràn vào Việt Nam, cho dù thuế nhập khẩu có về 0% vào năm 2018. Người tiêu dùng cuối cùng vẫn là người chịu thiệt nhiều nhất.
  • Bội chi, nợ công tiệm cận vùng nguy hiểm; Ngân sách Trung ương tiếp tục hụt thu. Ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2017 tiếp tục hụt thu khiến tình hình bội chi khó có khả năng cải thiện, trong bối cảnh áp lực chi thường xuyên cao đã đẩy nợ công đến ngưỡng nguy hiểm 65% GDP.
    Đây là năm thứ ba liên tiếp NSTW bị hụt thu (năm 2015 hụt thu 2.144 tỷ đồng, năm 2016 hụt thu 321 tỷ đồng). Đóng góp phần hụt thu đáng kể là khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tỷ lệ thu giảm mạnh (-7,7%) so với dự toán.
    Đối với việc Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2018 khoảng 3,7% GDP, tăng 0,2% so với năm 2017. Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc nâng mức bội chi NSNN năm 2018 cao hơn năm 2017 cần có “căn cứ lý giải thuyết phục hơn”.
  • Vụ Khaisilk: Lụa Việt và lụa Trung Quốc mác Việt. Mấy ngày qua dư luận rất bức xúc trước vụ việc ông Khải, chủ thương hiệu lụa Khaisilk nổi tiếng của Việt Nam cho rằng: Việc nhập lụa từ Trung Quốc về Việt Nam để bán chỉ là do thị trường Việt Nam còn thiếu hàng, ông phải sang Trung Quốc để lựa chọn hàng chất lượng để phục vụ cho thị trường trong nước. Ông khải cũng đã cúi đầu nhận lỗi trước công chúng và người tiêu dùng Việt Nam.
    Mặc dù ông chủ Hoàng Khải của Khaisilk đã chính thức thừa nhận có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc, và dù chất lượng lụa “Hàng Châu” mà ông Khải nhập có thực sự cao hơn chất lượng lụa Việt thì rất nhiều người vẫn vô cùng bất bình khi cho rằng họ đã bị lừa khi đặt niềm tin vào một thương hiệu “lụa Hà Đông” của Việt Nam một cách đầy tự hào.
    Người tiêu dùng hoàn toàn có lý khi đòi hỏi sự công bình cho mình trong suốt gần 30 năm bị “bội tín”, họ mua hàng Khaisilk vì nghĩ đó là thương hiệu truyền thống của Việt Nam, là tinh hoa và tinh túy của dân tộc Việt kết tinh trong từng sản phẩm đó.
  • Có hay không lỗ hổng chính sách thuế cho Grab? Con số thuế 9,5 tỷ đồng Grab nộp trong suốt ba năm kinh doanh tại Việt nam khiến nhiều người đặt câu hỏi nghi vấn là cơ chế đặc thù gì đang được áp dụng cho Grab để số thuế nộp vào ngân sách của công ty này chưa bằng 1/100 của một doanh nghiệp taxi trong nước.
    Trong văn bản gửi vừa mới gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương kiến nghị cần quản lý các doanh nghiệp cung cấp phần mềm như Uber, Grab như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải, đồng thời các doanh nghiệp này cũng phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử.

Tin kinh tế thế giới

  • Venezuela đứng trước nguy cơ vỡ nợ khi chính phủ nước này không có tiền để chi trả các khoản nợ gốc đến hạn vào cuối tuần trước. Mặc dù Công ty dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) cho biết họ đã chuyển khoản thanh toán nợ gốc trái phiếu đến hạn vào hôm 28/10, tuy nhiên nguy cơ vỡ nợ vẫn đang treo lơ lửng trên đỉnh đầu bởi các khoản nợ lớn hơn sắp đến hạn, chính phủ cạn tiền, giá dầu sụt giảm, và các đòn trừng phạt gắt gao từ Hoa Kỳ do các hoạt động đàn áp dân chủ của ông Maduro.
    Các mối quan tâm của nhà đầu tư bây giờ sẽ chuyển sang khả năng chi trả các khoản nợ sắp đến hạn tiếp theo của PDVSA mà gần nhất là  khoản 1,121 tỷ USD vào ngày 2/11. Sang năm 2018, Venezuela và PDVSA có khoản nợ trái phiếu khoảng 10 tỷ USD.
    Nền kinh tế Venezuela đã rơi xuống vực thẳm sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt lên chính quyền Maduro. Francisco Monaldi, nhà nghiên cứu chính sách năng lượng Mỹ Latinh tại Viện Baker, Đại học Rice, Houston, nhận định: “Các biện pháp chế tài đang làm tổn thương Venezuela nhiều hơn so với dự kiến ​​ban đầu. Các nhà thầu lọc dầu Mỹ trả tiền mặt cho dầu thô, và nếu Venezuela mất khả năng tiếp cận với nguồn tiền này, thì điều đó có nghĩa là PDVSA gặp rắc rối lớn về tài chính.”
  • Bong bóng bất động sản tại Trung Quốc đang tăng nhanh chưa từng thấy. Theo các nhà phân tích, chỉ trong năm nay, tổng tài sản của 7 nhà tỷ phú bất động sản lớn nhất tại Trung Quốc đã phình to thêm 44,3 tỷ USD. Cụ thể, cổ phiếu của công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc, China Evergrande Group, đã tăng 534%; công ty Sunac China Holdings, một công ty bất động sản nhà ở và thương mại lớn, tăng 501%; công ty Kaisa Group Holdings hiện đang có hoạt động tại hơn 50 thành phố của Trung Quốc đã tăng 222% chỉ trong năm nay.
    Theo UBS Wealth Management, tăng trưởng lợi nhuận của các công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới có thể đạt đến 20%.
  • Kinh tế Mỹ tiếp tục khởi sắc, Tổng thống Trump “chiến thắng” trước các chuyên gia kinh tế. Số liệu thống kê được công bố ngày 27/10 cho thấy trong quý III kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3%. Tờ Newsweek nhận định đây là một chiến thắng lớn dành cho Tổng thống Donald Trump, bởi đã rất nhiều lần các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng 3% mà ông đề ra là không phù hợp với thực tế nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.
    Đặc biệt, đây là quý thứ 2 liên tiếp GDP Mỹ tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra. Quý trước, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 3,1%, mức cao nhất trong 2 năm qua.
  • Hàng tỷ EUR của người Anh bị mắc kẹt trong 1 ngân hàng của EU vì Brexit. Ông Alexander Stubb, Phó Chủ tịch của Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), nơi mà nước Anh đang nắm 16% cổ phần (tương đương 3,5 tỷ EUR), cho biết quốc gia này sẽ không được thanh toán đầy đủ cho mãi tới năm 2054.

Khu vực ngân hàng

  • Bitcoin ngốn năng lượng bằng cả một quốc gia. Theo tạp chí Digi Economist, lượng điện năng tiêu thụ trong một năm để tạo ra bitcoin tương đương với điện năng tiêu thụ của cả đảo quốc Iceland (khoảng 17,62 TWh ( tỷ kilowat giờ). Chỉ một giao dịch bitcoin đơn lẻ tiêu tốn trung bình 193 KWh, tương đương với tiêu thụ điện năng trong một ngày của 6,4 hộ gia đình Mỹ.
  • Ngân hàng Trung Ương Campuchia khuyến khích dùng Nhân Dân Tệ. Tuyên bố trên do Phó Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Campuchia Neav Chanthana phát biểu trong một hội nghị ngành ngân hàng về thúc đẩy sử dụng Nhân Dân Tệ và Riel (đồng tiền của Campuchia) trong thương mại và đầu tư xuyên biên giới với sự góp mặt của gần 200 đại diện của các ngân hàng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp tại Campuchia, theo Tân Hoa Xã Trung Quốc.
    Bà Neav Chanthana nói rằng hiện tại có 17 trong tổng số 54 ngân hàng tại Campuchia đã giao dịch bằng Nhân Dân Tệ và có 4 ngân hàng trong số này gồm Ngân hàng Trung Quốc, chi nhánh Phnom Penh, Ngân hàng Kỹ Thương Trung Quốc, chi nhánh Phnom Penh, Ngân hàng Canadia, và Ngân hàng Thương mại Số 1 đã nhận tiền gửi bằng Nhân Nhân Tệ.
    “Việc sử dụng Nhân Dân Tệ sẽ đem lại nhiều lợi thế cho Campuchia, đặc biệt trong việc thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch từ Trung Quốc”, Tân Hoa Xã dẫn lời bà Chanthana.
  • Sau 2 năm, ba ngân hàng mua 0 đồng vẫn thua lỗ lớn. Báo cáo Kiểm toán Nhà nước về Nghị quyết phòng, chống tội phạm năm 2017 của Quốc hội vừa cho biết, ba ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng vẫn tiếp tục trong tình trạng thua lỗ lớn và thậm chí có thể tạo ra lỗ thêm hàng nghìn tỷ đồng.
    Ba ngân hàng gồm Ngân hàng Xây dựng VNCB, Ngân hàng Đại Dương OceanBank và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu GPBank là các đơn vị yếu kém không thể tự tái cơ cấu và đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015, nhưng đến nay gần như viễn cảnh vẫn không thay đổi là mấy, âm vốn chủ sở hữu ngày càng tăng.
    Một nguồn tin cho hay, sau quá trình cơ cấu không hiệu quả, Chính phủ đã cân nhắc đến việc dừng mua ngân hàng giá 0 đồng.
  • Kiểm toán Nhà nước: Khối doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, nền kinh tế nhiều vấn đề. Trong các phiên thảo luận trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã nêu ra những vấn đề tồn tại của nền kinh tế cần phải được khắc phục như phát hiện thêm nhiều dự án nhà nước thua lỗ, vay tiền để đảo nợ, nợ công và nền kinh tế không có nội lực.
    Ông Phớc cho biết, đến thời điểm hiện tại, không phải chỉ có 12 dự án nhà nước yếu kém, thua lỗ mà con số đã là hơn 40 dự án. Tình hình các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn là bức tranh cũ kỹ, với những thua lỗ triền miên và tồn tại nhiều sai phạm là nguyên nhân dẫn đến hụt thu ngân sách Nhà nước trong 3 năm nay.
    Ông Phớc bày tỏ lo ngại nền kinh tế tiềm ẩn rủi ro vì giải ngân vốn vẫn còn rất chậm. Trong 9 tháng năm 2017, mới chỉ giải ngân được 7% trên tổng số 148.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo dự toán.
    Một hạn chế nữa được ông Phớc chỉ ra là tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều FDI, nếu các “ông lớn” có vấn đề thì nền kinh tế bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tăng trưởng dựa vào khai khoáng tài nguyên sẽ chỉ giải quyết được vấn đề về con số mà không đảm bảo phát triển bền vững.

Thị trường chứng khoán

  • Chính phủ yêu cầu Bộ công thương đẩy nhanh thoái vốn, xử lý các dự án thua lỗ. Cùng với đó, phải đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém thuộc ngành công thương, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát tài sản của nhà nước theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
  • Hàng loạt cổ phiếu vừa bị đưa vào diện bị cảnh báo, kiểm soát và nhắc nhở trên toàn thị trường. Sở GDCK Hà Nội đã quyết định nhắc nhở trên toàn thị trường đối với doanh nghiệp bao gồm CTCP Đồ Hộp Hạ Long (CAN), CTCP Địa ốc Đà Lạt (DLR), CTCP Xây dựng 1369 (C69), CTCP Sông Đà 7 (SD7) và CTCP Đầu tư và Xây dựng BDC Việt Nam (MCO).
    Nguyên nhân là do các công ty này đều đã vi phạm quy định về công bố thông tin từ 3 lần trở lên kể từ ngày 1/1/2017.
  • Dealogic và S&P Global Market Intelligence, thị trường vốn Việt Nam đã vượt Indonesia, Philippines và sắp bằng Malaysia. Động lực thu hút vốn đến từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước với dự đoán của Dragon Capital, Chính phủ sẽ thu về 8 tỷ USD trong 2 năm tới. Trong khi đó khu vực tư nhân thu hút được 1,5 tỷ USD và đang có dấu hiệu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
  • Một cá nhân bị phạt 110 triệu đồng do giao dịch ‘chui’ cổ phiếu DPS và SVN. Ngày 26/10/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước  ban hành Quyết định số 990/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thanh Thùy Minh.
    Theo đó, bà Minh bị phạt 75 triệu đồng do không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng. Bên cạnh đó, người này còn bị phạt 35 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu.
  • Tuần qua, khối ngoại tiếp tục rút khỏi sàn HOSE, chuyển tiền qua UPCoM. Đây là phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp trên sàn UPCoM với 127,91 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với tuần trước đó. Ở diễn biến ngược lại, khối ngoại đã bán ròng 163,03 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Chân Hồ (t/h)

Xem thêm: