8 tháng đầu năm, diện tích rừng thiệt hại lên tới 2,990 ha, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Trong khi đó sản lượng khai thác gỗ (chưa tính khai thác lậu) tiếp tục tăng cao.

Theo Tổng cục thống kê, trong tháng 8/2016, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 10,9 nghìn ha, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng trồng tập trung của một số tỉnh giảm mạnh: Sơn La đạt 2650 ha, giảm 21,7%; Hòa Bình 619 ha, giảm 65,6%; Bắc Giang 426 ha, giảm 58,1%. Tuy vậy, tiếp theo đà của tháng trước, sản lượng gỗ khai thác tiếp tục tăng cao với khối lượng 1176 nghìn m3, tăng 9,8%.

Diện tích trồng rừng giảm nhưng khai thác gỗ lại tăng cao. Tính chung 8 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 130,9 nghìn ha, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 131,2 triệu cây, giảm 0,7%; sản lượng gỗ khai thác đạt 5562 nghìn m3, tăng 10,7%; sản lượng củi khai thác đạt 19,2 triệu ste, tăng 0,5%.

Thêm vào đó, thời tiết nắng nóng cục bộ tại một số khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gây cháy rừng ở một số địa phương, trong đó diện tích rừng bị cháy của Hà Tĩnh là 49 ha; Bình Định là 38,8 ha; Phú Yên là 38,7 ha. Tính chung 8 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 2990 ha, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 2138 ha, gấp 2,9 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 852 ha, gấp 1,8 lần.

Từ năm 1994 đến 2013, theo thống kê rủi ro lâu dài do biến đổi khí hậu, Việt Nam nằm trong top 7 toàn cầu các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu; trung bình mỗi năm, Việt Nam có 392 người chết và thiệt hại hơn 1% GDP do các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong đó, tàn phá rừng, yếu kém trong quản lý và khai khác tài nguyên này chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại về người và tài sản như trên. Theo báo cáo số liệu năm 2005 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria.

Chỉ trong Tháng 8.2016, các cơn bão số 1, số 2 và số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân cư, đặc biệt là tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai làm 40 người chết, mất tích và 93 người bị thương; gần 600 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 45,4 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái; 173,3 nghìn ha lúa, 31,4 nghìn ha hoa màu, 8,2 nghìn ha cây lâm nghiệp, cây ăn quả và 16,8 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, hư hỏng; 18,9 nghìn con gia súc, 184,8 nghìn gia cầm và hơn 120 tấn thủy sản các loại bị chết. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong riêng tháng 8.2016 tháng ước tính 7,2 nghìn tỷ đồng.

Nguyên Hương

Xem thêm: