Chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng chính trị, kinh tế của Hàn Quốc cũng như sự suy giảm năng suất trong ngành khai khoáng, tăng trưởng sản xuất công nghiệp Việt Nam 11 tháng đầu năm 2016 giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2015. Tồn kho cao, giá nguyên liệu tăng, chi phí môi trường ngày càng cao đang đặt ra thách thức lớn cho ngành công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

(Ảnh: internet)
(Ảnh sưu tầm)

Tính chung 11 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,9% của cùng kỳ năm 2015, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 12,3%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7%, ngành khai khoáng tiếp tục giảm sâu với mức giảm 6,3%.

kinh-te-dieu-cho-doi-tiep-theo

Ngành khai khoáng suy giảm cả về sản lượng dẫn đến phải cắt giảm lượng lớn lao động trong ngành. Tổng sản lượng dầu thô khai thác 11 tháng năm 2016 đạt 13.936 ngàn tấn, chỉ bằng 90% sản lượng cùng kỳ năm 2015. Ngành khai thác than đá giảm 0.3% về sản lượng, đồng thời cắt giảm 7,2% lao động ngành than.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khởi sắc với mức tăng trưởng chung 11%. Tuy nhiên, xuất hiện một số ngành có tốc độ tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm trước như ngành mía đường, phân bón và sản xuất điện thoại di động.

Sự cố nổ Galaxy Note 7 của Hãng Samsung tác động lớn tới cơ cấu sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Mặt hàng điện thoại suy giảm 8,2%, bù lại mặt hàng TV tăng trưởng 68,2%.

Mức tăng trưởng của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học bị kéo tụt từ 38,7% (năm 2015) xuống 13% (năm 2016). Chỉ số hàng tồn kho tăng đột biến tới mức 149% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó chủ yếu là điện thoại Samsung chờ xuất khẩu. Thêm vào đó, bê bối chính trị của Hàn Quốc có thể phải kéo dài ít nhất đến hết Quý III năm 2017 nên sản xuất công nghiệp nhóm hàng điện tử khó có khả năng phục hồi sớm hơn.

Do vậy, sự tăng trưởng sản xuất công nghiệp hiện nay chủ yếu dựa vào các ngành sản xuất kim loại, dệt, sản xuất khoáng phi kim loại và phân phối điện. Đây lại đều là những ngành khó có những bước đột phá lớn.

Về tăng trưởng sản xuất công nghiệp theo địa phương, năm 2016, Thái Nguyên mất vị trí đứng đầu, dừng lại mức tăng trưởng 25,4% (chỉ bằng ¼ mức tăng trưởng năm 2015). Quảng Nam giữ nguyên phong độ, tăng 30,6%. Tiếp đến là Hải Phòng tăng 16,7%; Đà Nẵng tăng 13%; Bình Dương tăng 9,5%; Cần Thơ tăng 8,9%; Hải Dương tăng 8,6%; Đồng Nai tăng 8,4%; TP.HCM tăng 7,3%; Hà Nội tăng 7,1%; Vĩnh Phúc tăng 6,2%; Bắc Ninh tăng 6,1%; Quảng Ninh tăng 3,8%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 4,2%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/11/2016 tăng 4,3% so với cùng thời điểm năm trước, tuy nhiên không đồng đều. Lao động trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 2,6%; trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 7,4%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 7,2% so với cùng thời điểm năm trước; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5%; ngành sản xuất, phân phối điện giảm 0,1%; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 2,1%.

Có thể thấy nền sản xuất công nghiệp Việt Nam đang chịu sự tác động đáng kể từ cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế của Hàn Quốc cũng như sự suy giảm năng suất trong ngành khai khoáng. Bên cạnh đó, tương lai mờ mịt về bức tranh thương mại toàn cầu, xu hướng tăng giá nguyên vật liệu đầu vào cũng như chi phí môi trường ngày càng cao đang đặt ra thách thức lớn cho nền công nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyên Hương

Xem thêm: