Disney lên kế hoạch cắt giảm nhân viên, đóng băng tuyển dụng, và hạn chế đi công tác để cắt giảm chi phí. Điều này khiến Disney trở thành công ty lớn mới nhất của Hoa Kỳ tìm cách sa thải nhân viên để kiểm soát chi phí.

nhân viên bán vé
Disney đang tìm cách cắt giảm chi phí, gồm việc sa thải nhân viên và đóng băng tuyển dụng. (Ảnh minh họa/Shutterstock)

Theo một thông báo nội bộ do Disney phát hành mà Wall Street Journal có được, vào thứ Sáu (11/11), Giám đốc điều hành Disney Bob Chapek đã công bố các biện pháp cắt giảm chi phí trên toàn công ty. Ông nói với các lãnh đạo bộ phận rằng công ty có thể sẽ tiến hành sa thải nhân viên.

Các biện pháp thắt lưng buộc bụng như ngoài các chuyến công tác thiết yếu, công ty cấm tất cả các chuyến du lịch và đóng băng tuyển dụng nhân sự trừ một số vị trí chủ chốt.

Vài ngày trước, Disney đã báo cáo lợi nhuận hàng quý sa sút. Mảng kinh doanh truyền thông trực tuyến của hãng đã lỗ 1,5 tỷ USD trong quý, một khoản lỗ lớn hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích Phố Wall.

Trong một thông báo gửi đến tất cả các phó chủ tịch cấp cao trở lên, ông Bob Chapek cho biết, một nhóm công tác do giám đốc tài chính Christine McCarthy và trưởng cố vấn pháp lý chính Horacio Gutierrez lãnh đạo, sẽ xem xét chi tiêu tiếp thị, nội dung và chi phí hành chính trong toàn công ty, và đưa ra các đề xuất để tiết kiệm chi phí.

“Tôi hoàn toàn hiểu rằng đây sẽ là một quá trình khó khăn đối với nhiều người trong số các bạn và nhóm của mình. Chúng ta sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn và đáng lo ngại”, ông Bob Chapek cho biết trong một thông báo nội bộ.

Ông cũng nói rằng khi xem xét tất cả các chi phí của Disney, công ty sẽ xem xét mọi cách để tiết kiệm chi phí. “Chúng tôi dự đoán chính xác rằng sẽ có một vài nhân viên bị sa thải trong đợt thẩm tra này.”

Disney có khoảng 190.000 nhân viên, nhưng thông báo nội bộ không đề cập đến việc sẽ cắt giảm bao nhiêu nhân sự.

Hãng tin CNBC của Mỹ cũng có được thông báo nội bộ này.

“Chúng tôi đang hạn chế việc gia tăng nhân sự, bằng cách đóng băng tuyển dụng có mục tiêu”, ông Bob Chapek cho biết trong thông báo. “Việc tuyển dụng một lượng nhỏ các vị trí quan trọng nhất, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển vẫn tiếp tục, nhưng việc tuyển dụng cho tất cả các vị trí khác sẽ bị đình chỉ.”

Ông nói thêm rằng nếu mỗi nhóm cần biết thêm chi tiết hoạt động, họ có thể tham khảo ý kiến ​​của lãnh đạo bộ phận và nhóm tư vấn nhân sự của mình.

Ông Chapek cũng nói với các giám đốc điều hành công ty rằng việc đi công tác nên được giới hạn trong những chuyến du lịch thiết yếu, và các cuộc họp có thể được tiến hành qua video trực tuyến bất cứ khi nào.

“Tôi không nghi ngờ gì về việc chúng tôi sẽ đạt được các mục tiêu của mình và tạo ra một công ty linh hoạt hơn”, ông cho biết.

Trong một cuộc họp báo cáo tài chính qua điện thoại với các nhà đầu tư vào thứ Ba (9/11), Giám đốc tài chính Christine McCarthy cho biết Disney sẽ mạnh tay cắt giảm chi phí, một số biện pháp sẽ tiết kiệm ngắn hạn, và số khác sẽ thúc đẩy lợi nhuận cơ cấu dài hạn.

Làn sóng sa thải nhân viên hiện nay ở các công ty lớn của Hoa Kỳ đang nối tiếp từng đợt. Trong tháng Mười, lượng nhân viên bị sa thải do các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ công bố đã tăng 13% lên 33.843 người từ 29.989 người của tháng Chín, mức cao nhất kể từ tháng 2/2021.

Hôm thứ Tư (9/11), Meta – công ty mẹ của Facebook, cũng thông báo rằng họ sẽ cắt giảm hơn 11.000 việc làm, trong bối cảnh thắt chặt chính sách tiền tệ và lo ngại suy thoái gia tăng.

Trong thư điện tử gửi tới các nhân viên, Twitter thông báo tỷ phú Elon Musk sẽ bắt đầu cắt giảm một nửa lực lượng lao động (khoảng 3.700 vị trí) từ ngày 4/11.

Ngoài ra, các công ty Hoa Kỳ như Microsoft, Lyft, Intel, Snap, Seagate Technology, Phillips 66, Beyond Meat, Salesforce Inc., Stripe, Chime, Johnson & Johnson, Citigroup và Morgan Stanley đều báo cáo việc sa thải hoặc sa thải nhân viên.

Lãi suất liên tiếp được nâng lên, lạm phát tăng “nóng” và cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài đang dẫn đến niềm tin rằng nền kinh tế thế giới gần như đang chắc chắn hướng tới vực suy thoái.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga, cùng hàng loạt bất ổn, từ đứt gãy chuỗi cung ứng đến lạm phát gia tăng, mất an ninh lương thực… đã khiến hàng loạt ngân hàng trung ương siết chặt chính sách tiền tệ.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải nâng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay với mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Nhằm chống lạm phát, chính phủ các nước cũng hút dần tiền từ thị trường về khi nhiều ngân hàng trung ương đồng loạt nâng lãi suất.

Bình Minh (t/h)