Dù đã bán điện cho Tập đoàn Điện lực (EVN) hơn hai năm qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng trăm tỷ đồng điện mặt trời hiện đang bức xúc khi bị Tập đoàn EVN đột ngột ngừng thanh toán từ tháng 3/2022, với lý do thiếu thủ tục.

dien mat troi mai nha dien luc ngung mua dien EVN tap doan EVN ngung mua dien mat troi mai nha
Các doanh nghiệp đầu tư điện mái nhà hàng trăm tỷ đồng ở miền Nam gặp khó vì đột ngột bị ngừng mua điện từ tháng 3/2022, với lý do thiếu “thủ tục”. (Ảnh: hanoi.gov.vn)

Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp là nhà đầu tư điện mặt trời (ĐMT) áp mái tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu… tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới Bộ Công thương, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án, do điện lực ngừng thanh toán. Ngành điện còn cho biết có thể sẽ “cắt hợp đồng”, “dừng mua điện”, bất chấp việc các nhà đầu tư đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư theo khuyến khích của Chính phủ Việt Nam, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Ông L.D.H., Giám đốc một doanh nghiệp đầu tư ĐMT tại Cụm công nghiệp Phú Chánh (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), cho biết mấy tháng nay, mỗi lần tới hạn trả nợ ngân hàng là doanh nghiệp này lại lao đao vì không biết lấy đâu ra tiền để trả. Doanh nghiệp này đã đầu tư hệ thống điện áp mái trên nhà xưởng rộng khoảng 7ha với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vay ngân hàng.

Được biết, hệ thống ĐMT của công ty này đã được đầu tư hoàn thành vào cuối năm 2020 và bắt đầu bán cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (ủy quyền cho điện lực các địa phương ký hợp đồng) từ đầu năm 2021. Theo ông H., khi được điện lực thanh toán trên 2 tỷ đồng mỗi tháng trước đây, doanh nghiệp này dành khoảng 1,8 tỷ đồng để trả ngân hàng. Phần còn lại dùng để trả lương cho nhân viên, chi phí vận hành, v.v…

“Trong những năm đầu, hầu hết số tiền thu được từ việc bán điện cho EVN chỉ đủ trả ngân hàng, nhà đầu tư kỳ vọng có thể thu lời từ những năm tiếp theo. Thế nhưng, từ tháng 3-2022 đến nay, chúng tôi không còn được bên điện lực thanh toán, dù điện họ vẫn đang lấy và bán lại cho người tiêu dùng. Với hàng tỷ đồng bị “ngâm”, doanh nghiệp chỉ gượng được 1 – 2 tháng đầu, còn tới nay thì chúng tôi đã kiệt sức”, ông H. cho biết, báo Tuổi Trẻ dẫn lời.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Dương gửi UBND tỉnh, đơn vị này đã tạm dừng thanh toán với gần 2.600 hệ thống ĐMT mái nhà, trong đó có trên 800 hệ thống chưa bổ sung được hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Xây dựng (chủ yếu là hệ thống ĐMT tại các nhà xưởng). Tại Đồng Nai, cũng có khoảng 800 trường hợp là doanh nghiệp đầu tư điện áp mái tại nhà xưởng trong khu, cụm công nghiệp gặp vướng mắc…

Tương tự, ông Nguyễn Nhật Minh, Giám đốc Công ty CP Máy tính Sài Gòn, cho biết tháng 12/2020, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng bán ĐMT mái nhà với đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (ủy quyền cho lãnh đạo Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu). Nhưng từ tháng 4/2022, phía điện lực thông báo tạm ngưng trả tiền điện từ tháng 3/2022 và từ tháng này tạm ngưng cung cấp chỉ số điện.

Theo ông Minh, phía điện lực đã yêu cầu phải cung cấp hồ sơ về phòng cháy chữa cháy (PCCC), xây dựng và môi trường. Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, không chỉ các doanh nghiệp tại Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…, mà hầu hết các nhà đầu tư ĐMT áp mái tại các tỉnh phía Nam đều đang bị tạm ngừng thanh toán do điện lực các địa phương thực hiện theo chỉ đạo của EVN và Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Được biết, hệ thống ĐMT mái nhà là các thiết bị được lắp đặt trên mái nhà tương tự các máy móc thiết bị khác được lắp đặt trong nhà xưởng, trên mái nhà xưởng như dây chuyền sơn gỗ được lắp trên mái nhà xưởng do đó không làm được các thủ tục xin phép xây dựng. Khi đó, Bộ Xây dựng cũng chưa ra các văn bản, quy định quản lý ngành nghề kinh doanh này một cách cụ thể, không yêu cầu giấy phép xây dựng; Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cũng chưa đưa ra quy định giấy phép PCCC, theo báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Trước những thay đổi yêu cầu về thủ tục bổ sung trên, các doanh nghiệp cũng cho biết đã liên hệ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Sở Xây dựng, UBND huyện nơi dự án đang hoạt động để xin cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhận được câu trả lời là không thể xin giấy phép xây dựng cho công trình đã lắp đặt. Và cũng vì giấy phép xây dựng còn thiếu nên giấy phép PCCC cũng khó hoàn thành với các dự án điện mặt trời áp mái đã đầu tư trước và trong năm 2020 – thời điểm không yêu cầu thủ tục này.

Ông Nguyễn Nhật Minh cho biết doanh nghiệp này đầu tư hệ thống ĐMT áp mái trên các công trình nhà xưởng, kho bãi có sẵn của một doanh nghiệp dầu khí. Do đó, dự án thuộc diện không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và được miễn đăng ký môi trường. “Phía điện lực áp dụng trường hợp của chúng tôi như những trường hợp đầu tư khác là không hợp lý. Trong khi đó, chúng tôi hỏi về thủ tục thì chỉ được trả lời chung chung, không có hướng dẫn cụ thể để đáp ứng”, ông Minh bức xúc.

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, ông Lê Minh Quốc Việt, giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương, cho biết cơ quan này nhận thấy các kiến nghị của nhà đầu tư về việc hệ thống ĐMT mái nhà thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng là phù hợp. Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương lại cho rằng hệ thống ĐMT mái nhà phải được cấp phép trước khi lắp đặt. Nếu đã thi công mà chưa có giấy phép, sẽ bị xử phạt.

Ông Trần Thanh Hải, Phó giám đốc Điện lực Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết việc ra thông báo nói trên là thực hiện theo sự chỉ thị của Tổng công ty Điện lực miền Nam. Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư bị tạm ngưng trả tiền như trường hợp của Công ty CP Máy tính Sài Gòn. Ngành điện yêu cầu các chủ đầu tư ĐMT áp mái bổ sung các hồ sơ chuyên môn theo quy định. Khi các nhà đầu tư bổ sung đủ hay có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, điện lực sẽ trả tiền.

Một doanh nghiệp cho rằng nếu áp dụng quy định của sở xây dựng, hầu hết các hệ thống ĐMT áp mái được đầu tư theo quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng “đều vi phạm pháp luật do không xin phép xây dựng”. “Trong quá trình đầu tư hệ thống ĐMT áp mái, chúng tôi đều liên hệ với công ty điện lực nhưng không nhận được một yêu cầu hay cảnh báo nào của ngành điện lực hay cơ quan quản lý về việc phải có các hồ sơ nêu trên. Trên thực tế, điện lực cũng đã chấp thuận mua điện hơn một năm nay”, một doanh nghiệp cho biết.

Đức Minh