Liên quan đến 35 container điều bị thất lạc chứng từ gốc tại Ý, sau nhiều nỗ lực đàm phán, hiện các doanh nghiệp đã giành lại được toàn bộ số lô hàng này.

xuat khau dieu container dieu xuat khau dieu sang Y bi mat kiem soat moit.gov .vn
Doanh nghiệp Việt Nam đã giành lại quyền kiểm soát toàn bộ số container điều xuất khẩu sang Ý bị thất lạc chứng từ gốc. (Ảnh minh họa: moit.gov.vn)

Toàn bộ 23 container điều còn lại trong số 35 container hàng bị thất lạc bộ chứng từ gốc hồi đầu tháng 3 vừa được tòa tuyên bố trả lại cho các công ty Việt Nam hôm 30/5.

Luật sư Davide Gallasso – người đã bảo vệ thành công 6 công ty xuất khẩu điều Việt Nam bị mất quyền kiểm soát các chứng từ gốc trên, cho biết các tòa án hình sự và dân sự Ý đã đưa ra những phán quyết có lợi cho cả 6 công ty, theo báo Tuổi Trẻ.

Ngoài 12 trong tổng 35 container hàng mà các doanh nghiệp Việt Nam đã giành được quyền kiểm soát hồi đầu tháng 4 vừa qua, toàn bộ 23 container hàng còn lại đều được tòa trả lại cho các công ty Việt Nam.

Đối với 3 công ty xuất khẩu đã không đặt cọc 150% giá trị lô hàng cho các hãng tàu để lấy hàng ra, tòa hình sự tại thành phố Genova đã ra phán quyết rằng “các công ty Việt Nam có thể lấy lại hàng hoặc bán cho người mua mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra phán quyết”, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Hiện các luật sư của Công ty luật Gallasso & cộng sự đang làm việc với cơ quan hải quan và cảnh sát tài chính Ý để trợ giúp các công ty xuất khẩu thực hiện phán quyết của tòa nhằm lấy hàng ra khỏi cảng trong những ngày tới.

Như vậy, với phán quyết này, 3 công ty Việt Nam đã giảm được rất nhiều thiệt hại. Các doanh nghiệp Việt Nam được lấy hàng ra bán cho người mua mới mà không bị mất tiền đặt cọc cho hãng tàu, tương đương 150% giá trị lô hàng cho thời gian từ 18 tháng cho trường hợp đặt cọc tiền mặt và 6 năm cho trường hợp làm bảo lãnh ngân hàng.

Trong khi đó, công tố viên tại thành phố Naples, người đang điều tra về các hành động bất hợp pháp của bên mua, đã ra lệnh cho cơ quan cảnh sát, bộ phận chống gian lận truy tìm và thu giữ tất cả các vận đơn gốc đã bị đánh cắp (tổng cộng 35 vận đơn), kết luận “các công ty xuất khẩu (Việt Nam) là nạn nhân của một âm mưu lừa đảo”.

Đây là một phán quyết có lợi cho cả 3 công ty xuất khẩu còn lại vốn đã đặt cọc để lấy hàng ra. Luật sư Gallasso và cộng sự đang nghiên cứu và lên phương án biện hộ để các công ty có thể rút khoản tiền cược ra sớm hơn thời hạn. Tuy nhiên, việc này được cho là phức tạp và sẽ mất thời gian hơn rất nhiều.

Theo khuyến nghị của luật sư Gallasso, để tránh những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai, điều quan trọng là các công ty Việt Nam kinh doanh trên thị trường quốc tế phải quan tâm hơn đến các khía cạnh khác nhau của quá trình đàm phán hợp đồng.

Trước đó, hôm 8/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) thông báo có 36 container (sau này thông báo lại là 35 container), trị giá lô hàng hơn 7 triệu USD (khoảng 162 tỷ đồng) bị mất quyền kiểm soát trong số 100 container điều xuất khẩu sang Ý có dấu hiệu bị lừa đảo.

Vấn đề phát sinh liên quan đến bộ hồ sơ chứng từ gốc của lô hàng bị thất lạc trong quá trình giao dịch giữa các ngân hàng.

Trong quá trình gửi hồ sơ nhờ thu hộ từ ngân hàng Việt Nam tới các ngân hàng của người mua, VINACAS cho biết đều xảy ra tình trạng thay đổi về mã số SWIFT (mã định danh ngân hàng). Sau khi ngân hàng của bên mua nhận được bộ chứng từ, họ đã thông báo người mua không phải là khách hàng của ngân hàng họ. Do đó, họ đã trả lại bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào và không cung cấp số vận đơn, mặc dù phía ngân hàng Việt Nam nhiều lần liên hệ nhờ cung cấp thông tin này.

Ngoài ra, với hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Ý, ngân hàng tại quốc gia này thông báo đã nhận được bộ chứng từ nhưng là bản copy, không phải bản gốc.

Các doanh nghiệp có liên quan đến lô hàng này không biết bộ chứng từ gốc thất lạc ở đâu. Theo quy định, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc của lô hàng trên đều có thể đến nhận hàng tại cảng.

Tuy vậy, sau nhiều nỗ lực đàm phán giữa doanh nghiệp, hãng tàu và cơ quan nhà nước hai bên, doanh nghiệp Việt Nam đã có thể lấy lại toàn bộ lô hàng nhờ phán quyết có lợi của tòa án Ý.

Đức Minh